"Xu hướng trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục trong thời gian tới do tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chậm lại", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Kaoru Yosano nói.
Kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự chững lại của kinh tế toàn cầu, mà hậu quả của nó là làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản.
Ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin nhận định, Nhật Bản không thể dựa mãi vào ngành xuất khẩu khi nguy cơ kinh tế suy giảm ba hoặc bốn quý liên tiếp đang trở thành nhãn tiền.
Việc Nhật Bản tuyên bố kinh tế nước này đã lâm vào suy thoái không hề gây bất ngờ. Một phần nguyên nhân là do thời gian gần đây, đồng yen vốn mạnh lại tăng vọt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu rối loạn và khủng hoảng toàn cầu khiến giới đầu tư không tích trữ những đồng tiền sinh lời cao như euro và đồng bảng Anh nữa.
Kết quả là, giá trị những đồng tiền ít sinh lời như USD và yen tăng bởi vì chúng được nhiều nhà đầu tư coi là nơi an toàn để bảo vệ vốn của mình.
Do Nhật Bản là nước xuất khẩu lớn, đồng yen càng sinh lời thì càng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty Nhật khi doanh thu từ nước ngoài được chuyển đổi lại sang đồng yen. Đồng yen càng có giá, thị trường chứng khoán Nhật Bản càng xấu đi, và điều này sẽ ảnh hưởng lan tỏa đến thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.
Tiếp theo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lâm vào suy thoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ cũng đang trong tình trạng tương tự. 96% chuyên gia kinh tế thuộc Hiệp hội quốc gia các nhà kinh tế doanh nghiệp (NABE) của Mỹ nhận định rằng kinh tế nước này đã thực sự lâm vào suy thoái. Một nửa trong số họ cho rằng suy thoái bắt đầu từ quý bốn năm 2007 hoặc quý một năm 2008; và gần 3/4 tin rằng nó sẽ kéo dài qua quý một năm 2009.
Tình trạng đó đã khiến tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 tại Mỹ tăng lên 6,5%, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Con số này ước tính sẽ tăng lên 7,5% vào quý ba năm 2009.
Tại châu Âu, Ủy ban Châu Âu hôm thứ sáu đã chính thức xác nhận rằng kinh tế 15 nước sử dụng đồng euro đã bắt đầu rơi vào suy thoái, với GDP giảm 0,2 % trong quý hai vừa qua.
Theo NDĐT