Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, huyện Yên Khánh đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, 18/18 xã đã thành lập Ban quản lý XDNTM cấp xã và 249 thôn, xóm thành lập Ban phát triển thôn, xóm đã tập trung điều hành, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Các xã Khánh Thành, Khánh Nhạc, Khánh Hải, Khánh Cư, Khánh Thiện, Khánh Cường… đã có cánh làm sáng tạo, linh hoạt, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của xã, thôn tạo được phong trào thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh trong quần chúng nhân dân.
Đến nay, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch của 18/18 xã, thị trấn và các địa phương đang tiến hành công khai đồ án quy hoạch XDNTM. Qua đánh giá bước đầu, theo bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, toàn huyện có 1 xã đạt 15 tiêu chí (xã Khánh Phú), 12 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí và 5 xã đạt từ 4 - 5 tiêu chí. Riêng 4 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM, đó là Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Nhạc và Khánh Thành đều đạt từ 5 - 8 tiêu chí và có từ 4 - 7 tiêu chí cơ bản đạt. Như vậy, sau gần 2 năm triển khai thực hiện thì tất cả các xã, thị trấn đều đã tăng cơ bản thêm từ 1-2 tiêu chí so với thực trạng ban đầu.
Đến nay, huyện đã phê duyệt xong đề án XDNTM cho 4 xã làm điểm và đang triển khai thẩm định đề án cho 14 xã còn lại. Các xã đã được phê duyệt đang tích cực triển khai các nội dung theo quy hoạch và đề án, trong đó tập trung ở các tiêu chí: Làm đường giao thông nông thôn, nước sạch, quy hoạch sản xuất, môi trường, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, xây dựng các công trình công cộng.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là nền tảng đóng vai trò quan trọng trong XDNTM nên được các địa phương trong huyện coi trọng và tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn huyện đã có 8 công trình nước sạch tập trung với công suất từ 6.800 m3/ngày đêm được đưa vào sử dụng; đang tiếp tục triển khai thi công 6 công trình cấp nước sạch nông thôn với công suất 4.400 m3/ngày đêm… đưa số địa phương có công trình nước sạch tập trung lên 14/18 xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu cho trên 90% dân số vào trước năm 2015. Từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, Yên khánh đã cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông thủy lợi quan trọng như: Tuyến đường Cầu Đầm - Khánh Thành và 4 tuyến đường nhánh của xã Khánh Thành với chiều dài 15 km, cải tạo tuyến đường 481B; tuyến đường đến trung tâm 4 xã Khánh Thiện, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Mậu. Triển khai nạo vét 15 tuyến kênh trục chính, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa giống…đã góp phần đáp ứng và phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời sửa chữa, nâng cấp hàng trăm công trình phúc lợi như: Trường học các cấp, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, xã; trạm y tế xã, công trình điện, chợ; khu thể thao thôn, xã và công trình khác được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng.
Về phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, Yên Khánh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung như: Triển khai dự án sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao QR1 với quy mô 200 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung và dự kiến mở rộng quy mô tại xã Khánh Thành, Khánh Công từng bước hình thành Trung tâm Sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao của khu vực. Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được triển khai thực hiện với quy mô 700 ha tại các xã Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu, Khánh Thủy.
Đến nay, Yên Khánh đã thành lập được 15 tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm, góp phần tạo được sự liên kết của các hộ sản xuất, mỗi năm sản xuất ra trên 2.200 tấn sản phẩm nấm các loại, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình. Tập trung triển khai mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi cá lóc bông, baba, nhím, hươu, gà an toàn sinh học, gà hướng trứng… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân.
Toàn huyện có trên 250 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Huyện đã báo cáo, đề xuất xây dựng dự án sản xuất rau an toàn với quy mô 200 ha tại xã Khánh Hồng, Khánh Mậu, Thị trấn Yên Ninh, Khánh Nhạc; dự án xây dựng khu chăn nuôi công nghệ sạch với quy mô 15 ha tại xã Khánh Trung. Cùng với việc đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, huyện Yên Khánh còn đặc biệt quan tâm hệ thống chính trị vững mạnh, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Ngoài nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho chương trình XDNTM, các xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân, doanh nghiệp và con em quê hương ủng hộ sức người, sức của cùng nhau chung sức XDNTM.
Đến nay, đã vận động nhân dân tự nguyện hiến 59.666 m2 đất và ủng hộ, đóng góp trên 20 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi và các công trình phúc lợi, quỹ khuyến học, khuyến tài...
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, Yên Khánh đã rút ra những bài học kinh nghiệm: Để xây dựng thành công nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và cá nhân trong huyện xác định đây là cuộc vận động mang tính toàn diện, cần có sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng nhất là phải phát huy tối đa vai trò của nhân dân trong quá trình thực hiện XDNTM. Phải có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong phân công nhiệm vụ phải đánh giá năng lực thực tế, bám sát nhân dân, có tính thuyết phục cao và phải gương mẫu thì việc triển khai thực hiện mới có hiệu quả cao. Khi vận động nhân dân tham gia XDNTM phải biết phát huy tinh thần tự nguyện của nhân dân, đảm bảo công khai, hiệu quả thiết thực. Về huy động nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ, việc nào làm trước, việc nào làm sau để huy động nội lực, ý thức trách nhiệm của nhân dân và bộ máy chính quyền cơ sở để triển khai thực hiện. ở từng lĩnh vực, nội dung cần phải có sự chỉ đạo xây dựng thành công mô hình để nhân dân học tập thực tế, tin tưởng triển khai. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, nhắc nhở, kiểm điểm nghiêm túc đối với các tập thể, cá nhân còn chưa thực hiện tốt, trách nhiệm không cao…
Thanh Chiên