Còn nhiều vi phạm Mua vé xe đi tuyến Hà Nội - Nho Quan, nhưng hành khách phải đi tới 4 chặng xe mới về được đến nhà. Theo phản ánh của vị khách này tới đường dây nóng của Sở Giao thông - Vận tải: ông đi xe ô tô khách của một công ty vận tải ở Ninh Bình, đi từ Hà Nội về Nho Quan, nhưng trên đường về, ông bị nhà xe chuyển tới 4 lần sang các xe khác mới về được đến Nho Quan.
Cũng thông qua đường dây nóng, chúng tôi lại biết có trường hợp hành khách yêu cầu đi tuyến Hà Nội - Nam Định, mặc dù không di chuyển qua địa phận hành khách yêu cầu, nhưng xe của công ty vận tải khách của Ninh Bình lại cố tình bắt khách, sau đó trên đường đi đã gửi khách cho nhà xe khác của tỉnh Nam Định, khi hành khách này lên tiếng phản đối thì bị nhà xe hung hăng đánh, khiến hành khách này sau đó phải xuống xe.
Đó là chưa kể, tình trạng các xe vận tải khách vòng vo bắt khách dọc đường cả tiếng mới bắt đầu vào cuộc hành trình, các xe dừng, đậu đỗ không đúng nơi quy định vẫn diễn ra phổ biến; đặc biệt, tình trạng nhồi nhét khách vào những ngày lễ, tết đang khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Điển hình như ngày 13/4/2019, vào dịp nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện xe khách Đức Long BS: 35B - 003.51 do Vũ Tài K (SN 1982, trú Kim Sơn, Ninh Bình) thuộc doanh nghiệp vận tải ô tô tại thành phố Ninh Bình điều khiển vi phạm chở vượt hơn 100% số người theo quy định (được phép chở 29 người đã nhồi nhét lên 64 người) trên tuyến cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ (Ninh Bình).
Những hành động trên của các nhà xe vận tải khách khiến dư luận rất bức xúc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định và tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vi phạm lỗi: không thông báo nội dung hợp đồng về Sở Giao thông Vận tải, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam...
Các phương tiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định có nhiều phương tiện thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ đã được phê duyệt, các phương tiện vận tải hành khách bằng xe búyt chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng vị trí quy định...
Việc các phương tiện vận tải chở khách hoạt động còn nhiều vi phạm đã khiến mất niềm tin của hành khách vào các đơn vị vận tải. Dẫn đến tình trạng tranh giành khách giữa các đơn vị kinh doanh vận tải, giữa các loại hình vận tải khách, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự trong hoạt động vận tải.
Đã xử lý nhưng chuyển biến chậm
Đồng chí Nguyễn Duy Phong, Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Không phải đến đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự giao thông thì lực lượng chức năng mới tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải khách, mà việc kiểm tra, xử lý vẫn diễn ra thường xuyên.
Trong đó, với vai trò chủ chốt, Sở Giao thông - Vận tải đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải trên địa bàn tỉnh, liên tục đôn đốc và tuyên truyền các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nắm chắc thông tin về các phương tiện vận chuyển tại các đơn vị kinh doanh vận tải.
Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi thông qua thiết bị giám sát hành trình đối với các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, vận tải hành khách bằng xe búyt. Hàng tháng, thông báo các lỗi vi phạm và nhắc nhở các đơn vị kinh doanh vận tải, trường hợp cố ý vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Đặc biệt, lực lượng Thanh tra giao thông đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, trong quý I/2019, lực lượng thanh tra giao thông đã tiến hành xử phạt 28 trường hợp xe khách vi phạm, phạt tiền gần 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 8 trường hợp, thu hồi 2 phù hiệu; lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 320 trường hợp xe khách vi phạm trật tự ATGT...
Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm trong hoạt động vận tải khách hiện nay vẫn còn diễn ra phổ biến và chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Trên các tuyến đường, chúng ta còn bắt gặp các xe ô tô khách tuyến cố định vẫn bắt khách dọc đường, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, cá biệt có nhà xe còn cãi lộn, tranh giành khách, ứng xử thiếu văn minh với hành khách.
Giải pháp khắc phục
Qua tìm hiểu thực tế, để khắc phục những tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải khách, các đơn vị kinh doanh vận tải trước tiên cần thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách; tăng cường công tác theo dõi thông qua hệ thống giám sát hành trình, kịp thời nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: sai hành trình, dừng đỗ đón, trả khách sai quy định, chạy vòng vo không cho phương tiện vào hai đầu bến...
Các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chỉ đạo cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ghi rõ hành trình, lịch trình chạy xe trong lệnh vận chuyển để thuận tiện cho công tác kiểm tra, xử lý.
Đặc biệt, cần chú ý đầu tư nâng cấp các phương tiện và thay đổi tác phong, ứng xử lịch sự, phục vụ nhiệt tình, chu đáo đối với hành khách. Đối với các đơn vị kinh doanh hành khách bằng xe búyt cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền lái xe nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật, đặc biệt là các lỗi chạy không đúng hành trình, bỏ điểm đầu và điểm cuối, dừng đỗ không đúng nơi quy định, vòng vo đón trả khách, khắc phục ngay các lỗi như không niêm yết biển số xe, bảng giá vé, số điện thoại đường dây nóng, đặc biệt tuyến số 02 Ninh Bình - Kim Sơn - Kim Đông; tuyến 01 Ninh Bình - Me - Nho Quan...
Các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng khi vận chuyển hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách theo mẫu quy định; trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị phải báo cáo về Sở Giao thông - Vận tải nội dung hợp đồng vận chuyển (đối với các xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên).
Bên cạnh đó, các bến xe cần nâng cao vai trò trong việc giám sát, kiểm tra các xe và xác nhận phiếu vận chuyển khi xuất bến. Mặt khác, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, người dân có nhu cầu đi xe khách cần tới bến xe để mua vé, tránh việc tùy tiện vẫy xe trên đường, tạo điều kiện cho vi phạm của lái xe và nhà xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bài, ảnh: Kiều Ân