Về sản xuất lúa vụ mùa, tiến độ thực hiện công tác thu hoạch lúa đã đạt khoảng 50% diện tích. Diện tích lúa chưa thu hoạch, tình trạng mưa kéo dài đã khiến mực nước trong đồng ruộng và các công trình thủy lợi dâng lên, chiều cao hiện ở mức 2/3 cây lúa, có nơi gần tới cổ bông. Tuy chưa gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa song huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp tiêu úng bởi triều cường tại các sông vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu xuống thấp.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện cho vận hành các máy bơm tiêu úng từ ngày 10/10. Tất cả công nhân của Chi nhánh KTCTTL huyện đảm bảo trực 100%, đồng thời vận hành đồng bộ các trạm bơm Chất Thành, Quy Hậu, Kim Đài, Cồn Thoi nhằm làm giảm mực nước trong đồng ruộng.
Những ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Yên Mô có mưa to và rất to, kéo dài liên tục. Theo báo cáo của huyện Yên Mô, lượng mưa đo được từ chiều ngày 9/10 đến ngày 11/10 là 368 mm. Riêng trong ngày 11, lượng mưa đo được tại Trung tâm huyện Yên Mô là 176mm.
Mưa lớn kéo dài đã làm hệ thống đê các sông đều đang ở mức báo động. Trên địa bàn huyện Yên Mô có 124m đê Tả sông Ghềnh (thuộc xã Yên Phong) có nguy cơ sạt lở; 60 m đê Hữu sông Vó xã Khánh Thượng bị sạt lở và nứt; 4 xã bị tràn đê (bao gồm xã Khánh Dương, xã Yên Hòa, xã Yên Đồng, xã Khánh Thượng).
Do mưa to và lượng mưa lớn đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của huyện. Qua kiểm tra sơ bộ có 720 ha cây vụ đông bị đổ gẫy, dập nát, gây thiệt hại 100%; 528 ha lúa-cá, 30ha ao bị ngập và 20 ha ao chuyên nuôi trồng thủy sản bị mất trắng.
Về sản xuất vụ mùa, Yên Mô đã thu hoạch 4.200 ha lúa, chiếm 62%, trong đó Yên Thành, Yên Lâm, Yên Đồng, Yên Thái đã cơ bản thu hoạch xong. Còn 2. 600 ha lúa chưa thu hoạch đều bị ngập mấp mé bông, 1 số diện tích lúa bị đổ làm giảm năng suất ước tới 30%.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục thiên tai.
Huyện đã và đang chỉ đạo các xã huy động phương tiện và nhân lực tập trung kè chân đê bị sạt lở, nứt, đắp con trạchtại những đoạn đê bị tràn, xử lý kịp thời những đoạn có nguy cơ bị sạt lở.
Huy động tối đa 100% máy bơm của Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện và các HTX nông nghiệp để bơm tiêu úng kịp thời cho những diện tích lúa chưa thu hoạch, vùng sản xuất vụ đông, vùng sản xuất lúa-cá, nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời phân công cán bộ trực 24/24h tại các cống để tiêu nước kịp thời khi nước triều thấp. Thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, nhất là những đoạn đê xung yếu, các cống trên đê.
Ngay khi được lệnh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hoa Lư, các lực lượng thường trực xung kích của huyện gồm 40 cán bộ, chiến sỹ thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện; 80 cán bộ, chiến sỹ Công an huyện, 75 công an viên các xã, 300 dân quân tự vệ và khoảng trên 600 người thuộc các đoàn thể thanh niên, phụ nữ địa phương tham gia chống úng, cứu lúa mùa ở các xã Ninh An, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa và Trường Yên.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hoa Lư tham gia chống ngập úng cứu lúa. Ảnh: MĐ
Tại đê đồng Chiều, trong làn mưa rào không ngớt, cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện được sự hỗ trợ của máy xúc và Hội phụ nữ xã Ninh Vân khẩn trương ngăn mực nước tràn vào đồng đang ở kỳ vào mẩy, uốn câu.
Với lượng mưa tại chỗ cũng như dồn chảy từ thượng nguồn đổ về đã làm gần 100 m đê mấp mé nước và tràn vào đồng lúa. Đại diện lãnh đạo xã Ninh Vân cho biết, nếu không trị được nước tràn, chỉ mấy chục phút là nước xói và sẽ gây vỡ đê. Mà nếu vỡ đê không chỉ mất trắng toàn bộ diện tích lúa mùa của các thôn Hệ, thôn Thượng và thôn Phú Lăng mà còn gây ngập cho cả thôn Vạn Lê, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều nhà máy xi măng trên địa bàn.
Đến 17 h chiều ngày 11/10, việc trị nước tràn đã cơn bản ổn. Nước không còn rò rỉ vào trong đồng nữa. Tuy nhiên theo thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, trước diễn biến thời tiết phức tạp, chúng tôi tiếp tục theo dõi cả đêm nay và sáng mai; trực sẵn sàng ứng phó tình huống nước tiếp tục dâng cao.
Với tinh thần đó, huyện Hoa Lư cố gắng phấn đấu không để mưa lớn làm ngập úng diện tích lúa mùa sắp thu hoạch. Trọng điểm là những tuyến đê có nguy cơ tràn và vỡ như ở Ninh Vân và Ninh An.
Thái Học-Hồng Giang-Minh Đường