Trên địa bàn huyện hiện có 274 lều, chòi của các hộ gia đình nuôi ngao phía ngoài đê Bình Minh 3, với tổng số 392 lao động. Để đảm bảo an toàn cho số lao động trên, ngay trong sáng 27/7, huyện Kim Sơn đã phối hợp với lực lượng biên phòng huy động xuồng máy đến từng chòi, lán vận động nhân dân về nơi tránh trú bão. Đến 17h giờ cùng ngày, toàn bộ số lao động trên đã được đưa vào phía trong đê Bình Minh 3 an toàn.
Trong trường hợp bão gia tăng cường độ hoặc đổi hướng, huyện Kim Sơn huy động lực lượng, phương tiện... tiếp tục thực hiện cả phương án di dân toàn bộ dân cư ngoài đê Bình Minh 2 vào phía trong.
Đối với các tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, phương án cấm biển được thực hiện từ 14 giờ nhằm ngăn chặn hành vi tự ý xuất bến của các tàu thuyền đang neo đậu tại bến.
Đối với các tàu đang hoạt động đánh bắt ngoài khơi, bằng phương tiện liên lạc vô tuyến, lực lượng biên phòng đã thông báo cho hơn 130 chủ tàu về nơi neo đậu an toàn. Tất cả các thuyền viên đã vào bờ, tàu thuyền được chằng chống chắc chắn.
Ngoài các lực lượng đã huy động trong sáng và chiều ngày 27/7, đến 18 giờ, các lực lượng quân đội hiệp đồng trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được huy động, lên phương án cụ thể cho các tình huống có thể xảy ra. Tại các điểm chốt, lực lượng trực ban 24/24 giờ được bố trí.
Hệ thống phát tín hiệu đèn cảnh báo bão được bật sáng. Khi có diễn biến mới của bão, các lực lượng sẽ sử dụng pháo hiệu để thông báo cho các đơn vị để triển khai kế hoạch ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tại địa phương.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân trước khi xảy ra bão, huyện Kim Sơn cũng chuẩn bị đầy đủ phương án tìm kiếm cứu nạn thời điểm trong và sau khi bão đi qua.
Các phương tiện di chuyển như xuồng máy, ô tô... đã được huy động tại các điểm tập kết, sẵn sàng đợi lệnh huy động. Đồ ăn, nước uống và lương thực được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng theo phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã xây dựng ngay từ đầu năm.
Huyện Kim Sơn xác định rõ, huyện là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Vì vậy, trước mùa mưa bão, các công trình như: cống tiêu thoát nước, đê ven sông... đã được đầu tư, tu sửa nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống, đồng thời đảm bảo khả năng tiêu, thoát nước trong trường hợp úng lụt xảy ra.
Đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng của bão số 1 gây ra rất đáng quan tâm, nhất là với diện tích 8.300 ha lúa mới cấy. Thời điểm này, khi cây lúa mới được gieo cấy, "sức đề kháng" của lúa còn rất kém. Thời gian trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền thường xuất hiện mưa lớn kèm theo gió mạnh, có thể gây hiện tượng ngập úng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cuối vụ.
Trước nguy cơ đó, huyện Kim Sơn đã triển khai nhanh một số giải pháp nhằm bảo vệ lúa, tránh tổn thất cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Việc quan trọng nhất hiện nay là rút hết nước trên đồng ruộng, nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra ngập úng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Khi xuất hiện thông tin dự báo về cơn bão số 1, chúng tôi đã thông báo tới tất cả các HTX nông nghiệp trên địa bàn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, vận động bà con nông dân tiến hành rút hết nước trong ruộng, để lộ chân lúa.
Tại các địa phương gieo cấy lúa sớm như Yên Lộc, lúa đã cao khoảng 20 - 25 cm, công tác tiêu thoát nước trong đồng ruộng cũng đang được triển khai ráo riết. Ông Phạm Văn Son, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đầu vụ sản xuất, xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp tiến hành kiểm tra, tu sửa hệ thống tiêu thoát nước, đảm bảo vận hành tốt trong mùa mưa bão.
Đồng ruộng của Yên Lộc nằm ở vị trí cao hơn so với các địa phương khác, tuy nhiên, xã đã thông báo tới bà con nông dân không được chủ quan trong công tác phòng, chống úng lụt.
Ngay trong buổi sáng, toàn bộ diện tích lúa mùa đã được tháo hết nước. Hai HTX nông nghiệp của xã là Bắc Lộc và Nam Lộc cũng đã tiến hành chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm điện, bơm dầu để tiêu úng nếu có mưa lớn.
Tại HTX Thượng Kiệm, lúa đã lên xanh, chiều cao khoảng 15 - 20cm. Dẫn chúng tôi đi thăm đồng lúa, ông Vũ Ngọc Thức, Giám đốc HTX cho biết: Trong sáng 27-7, chúng tôi đã vận động nông dân tiến hành dọn vệ sinh hệ thống kênh, mương nội đồng, khơi thông dòng chảy. Đồng thời tháo rút nước được khoảng 50% diện tích lúa, đến buổi chiều sẽ hoàn thành công việc trên.
Nếu sau bão xảy ra mưa to gây ngập úng, 4 trạm bơm vô ống cùng 16 máy bơm dầu sẽ được HTX Thượng Kiệm vận hành nhằm bơm tháo nước khỏi đồng ruộng.
Cùng với các HTX, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi của huyện - đơn vị chuyên trách trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp- cũng đang nhanh chóng triển khai các công tác cần thiết.
Ông Dương Văn Hiển, Trưởng Chi nhánh cho biết: Nhận được công điện của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, Chi nhánh đã tổ chức tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện. Từ ngày 26-7, 31 cống dưới đê đã được mở tiêu úng, đến 14h chiều ngày 27 mới dừng lại. Trong trường hợp mưa lớn, đạt từ 150 - 200 mm, Chi nhánh sẽ vận hành đồng thời thêm 6 trạm bơm để tiêu thoát nước.
Trước đó, Điện lực Kim Sơn đã có thông báo đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho công tác bơm tát tiêu úng.
Thái Học