Báo cáo tổng kết thực hiện NQ 05-NQ/TU của huyện nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, công tác tư tưởng - văn hóa trên địa bàn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, tạo được sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội", phong trào "Xóa đói giảm nghèo", "Xóa nhà tranh tre, nứa lá" được phát động mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Bên cạnh đó đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác tư tưởng; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng; chăm lo đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác tư tưởng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho công tác tư tưởng…
Về thực hiện Chỉ thị 59-CT/TƯ, qua 12 năm triển khai và tổ chức thực hiện, đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên đối với hoạt động của Hội Nông dân, phong trào và hoạt động của Hội Nông dân huyện tiếp tục được đổi mới và có chiều sâu hơn. Vai trò, vị thế của tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở ngày càng được khẳng định, chất lượng hoạt động được nâng lên, tỷ lệ thu hút và tập hợp hội viên vào tổ chức Hội ngày càng tăng (năm 2000 tỷ lệ thu hút hội viên đạt 76%, đến năm 2010 tỷ lệ là 84,2%). Các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được duy trì và phát triển. Việc liên kết "4 nhà" tạo điều kiện giúp cho hội viên nông dân được tiếp cận với tiến bộ KHKT, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời mở rộng và phát triển các mô hình điển hình góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.
Về kết quả sau 3 năm thực hiện NQ số 20-NQ/TƯ, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã quan tâm giáo dục, thuyết phục, bồi dưỡng các chủ doanh nghiệp có đủ điều kiện kết nạp vào Đảng CSVN; tăng cường công tác phát triển Đảng trong công nhân, làm nòng cốt xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội LHTN trong các doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tiêu chuẩn hóa cán bộ Công đoàn; tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn, Đoàn thanh niên xuất thân từ công nhân có cơ hội phấn đấu, rèn luyện và phát triển.
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết đã có 265 đoàn viên Công đoàn được kết nạp vào Đảng. Công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CNVC-LĐ đã được các cấp Công đoàn quan tâm hơn, đặc biệt trong phối hợp với các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề, bổ túc văn hóa cho CNVC-LĐ. Bên cạnh đó đã đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn theo hướng thiết thực đối với đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động; đa dạng các hình thức thu hút, tập hợp công nhân, lao động trẻ trong các doanh nghiệp tham gia hoạt động Đoàn, Hội.
Nguyễn Khánh