Bác sĩ Lưu, trưởng khoa dịch tễ của Trung tâm cho biết: suốt 1 tuần qua, cán bộ của Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Như tiến hành giám sát dịch tễ; điều tra, lấy mẫu xét nghiệm; cấp thuốc uống phòng cho những người có liên quan; tổ chức phun thuốc xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước khu vực nhà bệnh nhân ở và nơi bệnh nhân nằm điều trị…Đến nay, đã 8 ngày trôi qua, Kim Sơn chưa phát hiện có thêm bệnh nhân mắc phẩy khuẩn tả mới.
Được biết, năm 2008 Kim Sơn cũng là địa bàn có nhiều bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, có xã xuất hiện 5-7 bệnh nhân, nhiều trường hợp mắc do ăn thịt chó ở cùng bữa cỗ. Bước vào mùa dịch năm nay, tuy diễn biến dịch không rầm rộ nhưng ca bệnh đầu tiên ở Kim Sơn lại tử vong. Điều đó cho thấy tính phức tạp, bức thiết trong công tác phòng, chống dịch nói chung và phòng, chống tiêu chảy cấp nói riêng.
Triển khai phun thuốc trên địa bàn xã Lai Thành
Muốn đạt kết quả cao trong công tác phòng, chống dịch, ngoài nỗ lực của ngành y tế cần có sự tham gia, vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể, sự hiểu biết của mỗi người dân về kiến thức phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.Cùng đi với các bác sĩ xuống xã Lai Thành, nơi có bệnh nhân tử vong do tiêu chảy cấp nguy hiểm chúng tôi mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả trong công tác phòng, chống dịch. Mọi việc làm đều phải hết sức cẩn thận, đúng quy trình. Nhiều khi dân chưa hiểu, các bác sĩ phải giải thích, phân tích rõ lợi ích của việc phun thuốc, uống thuốc phòng, sự cần thiết của ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch…
Những ngày qua, cán bộ y tế và các đoàn thể ở địa phương như thanh niên, phụ nữ đã chia nhau đi phun hóa chất xử lý môi trường toàn bộ xóm 7b, với 206 hộ; lập danh sách, cấp thuốc uống phòng bệnh cho gần 100 người có liên quan với bệnh nhân, cấp gần 1 tấn vôi bột, 4000 viên cloramin T để các hộ dân khử khuẩn công trình phụ và nguồn nước sinh hoạt. Toàn bộ mẫu rau, nước sinh hoạt, thực phẩm lấy tại nhà bệnh nhân cũng được gửi đi xét nghiệm, kết quả âm tính. Tại trạm y tế xã, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch đã sẵn sàng. Trạm đã bố trí 1 phòng điều trị cách ly, phân công cán bộ trực 24/24 giờ. Dịch truyền, thuốc cấp cứu, giường điều trị đã được chuẩn bị đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh được xã quan tâm. Ngoài truyền thông trực tiếp, y tế xã còn tổ chức cấp phát tờ rơi, viết bài hướng dẫn đọc trên hệ thống truyền thanh 3 cấp, phát ngày 2 buổi…
Bác sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, Trạm trưởng trạm y tế xã cho biết: Lai Thành là xã đông dân, với gần 14.000 khẩu, 17 xóm. Năm 2008 xã có 7 bệnh nhân mắc phẩy khuẩn tả, hầu hết được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tại trạm y tế với sự hỗ trợ về chuyên môn của tuyến trên, không có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, do việc kiểm soát nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều khó khăn( đặc biệt là với những trường hợp người lành mang trùng), cộng với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo nên việc bùng phát dịch là điều khó tránh khỏi. Nếu mỗi người, mỗi gia đình đều có hiểu biết đầy đủ về bệnh dịch, cách phòng, chống thì những thiệt hại do dịch bệnh gây nên sẽ được hạn chế nhiều.
Tại Trung tâm y tế Kim Sơn, một khu điều trị cách ly đã được thiết lập, các loại thuốc, hóa chất, dịch truyền cũng được chuẩn bị đầy đủ. Công tác thông tin báo dịch được duy trì hàng ngày. Những ngày này, cán bộ y tế của Trung tâm luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, sẵn sàng lên đường tăng cường cho tuyến dưới. Ngoài xã có dịch là Lai Thành, BCĐ phòng, chống dịch của huyện yêu cầu các xã bám sát kế hoạch của BCĐ huyện, chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch, phấn đấu phát hiện sớm ca bệnh và làm tốt công tác khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng ra cộng đồng.
Bài, ảnh: Đức Huy