Theo đánh giá sơ bộ, diện tích lúa trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt do đảm bảo đủ nước, chăm bón và phòng trừ dịch hại kịp thời. Trong thời gian vừa qua, các cán bộ của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã chia thành các tổ công tác, trực tiếp xuống địa bàn các xã để nắm tình hình sản xuất cũng như phối hợp với các HTX nông nghiệp triển khai các giải pháp chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho bà con nông dân.
Qua theo dõi tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy, một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa.
Ông Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Kim Sơn cho biết: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 1 gây hại rải rác trên các trà lúa, rầy nâu lứa 2 đang nở rộ, hiện tại mật độ rầy trên đồng ruộng trung bình là 1.200 con/m2, nơi cao 2.000-2.500 con/m2, cá biệt tại các HTX Hùng Tiến, Bắc Thành, Đông Thiện có ổ 3.000-4.000 con/m2. Trứng rầy lứa 2 đang ra rộ, mật độ trung bình 1.500 quả/m2, nơi cao 2.000-3.000 quả/m2, cá biệt ổ 3.000-4.000 quả/m2.
Trong thời gian đầu tháng 5, rầy cám lứa 2 tiếp tục nở rộ, gây hại rộng trên các trà lúa ở hầu hết các HTX trong huyện. Mật độ rầy phổ biến từ 2.000 đến 3.000 con/m2, nơi cao từ 4.000-5.000 con/m2, cá biệt ổ từ 7.000-vạn con/m2. Nếu không phát hiện phun trừ kịp thời, rầy sẽ làm đỏ lúa hoặc gây cháy ổ, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Loại gây hại thứ hai là sâu cuốn lá nhỏ. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 ra rộ, trứng sâu cuốn lá có mật độ trung bình là 50 quả/m2, nơi cao từ 70-100 quả/m2. Đặc biệt, nơi có mật độ sâu cuốn lá nhỏ ở mức cao cũng chính là nơi có mật độ rầy nâu lứa 2 phát triển mạnh.
Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại trên các trà lúa. Bệnh đạo ôn cổ bông, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại cục bộ.
Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Trạm BVTV huyện đã có thông báo cụ thể tới chính quyền các xã, HTX nông nghiệp vận động bà con nông dân quan tâm đến việc đảm bảo đủ nước cho cây lúa làm đòng trỗ bông và phục vụ cho công tác phòng trừ sâu bệnh, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, tạo điều kiện cho cây khỏe nhằm tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại.
Đồng thời phát động toàn dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa trỗ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại. Tổ chức 2 đợt phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ, đợt phun thứ 2 sau đợt 1 từ 5-6 ngày.
Để đảm bảo hiệu quả, bà con nông dân cần sử dụng các thuốc đặc hiệu đã được khuyến nghị, nếu phun kết hợp cần đảm bảo đủ liều lượng, lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào.
Tại HTX Bắc Thành (xã Lai Thành) là một trong ba trọng điểm được phát hiện có sâu bệnh cuối vụ phát triển mạnh, với mật độ rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ đều ở mức cao. Ông Nguyễn Khắc Khiển, Giám đốc HTX Bắc Thành cho biết, vụ đông xuân năm nay, bà con xã viên gieo cấy hơn 273 ha lúa.
Trước tình hình sâu bệnh cuối vụ phát triển mạnh, HTX đã đốc thúc bà con triển khai phun trừ 2 đợt, đợt 1 từ ngày 29/4 đến ngày 1/5, đợt 2 từ ngày 6/5 đến 9/5. Trước đợt phun thứ 2, các cán bộ HTX đã đi thăm đồng và nhận thấy mật độ rầy nâu, sâu cuốn là nhỏ đã giảm đáng kể.
Thái Học