Theo thống kê, huyện Kim Sơn có hơn 60 làng cổ, với nét văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Cũng như biết bao làng quê Việt Nam khác, hình ảnh cổng làng cũng khắc ghi vào tâm khảm mỗi người dân huyện Kim Sơn. Trong ký ức đó, cổng làng được tái hiện rất giản đơn nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi, hùng vĩ... là mái đất nung cũ kỹ tựa lưng vào cây đa cổ thụ với tán lá ngút ngàn, vượt hẳn lên so với những rặng tre dày đặc, đan vào nhau như bức "tường thành" bao bọc lấy làng.
Nhưng thời gian và hệ quả của chiến tranh đã khiến nhiều cổng làng bị tàn phá, dỡ bỏ. Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Kim Sơn đã dành nhiều tâm huyết, công sức và tiền của để phục dựng những chiếc cổng làng, nhằm khơi dậy và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng làng quê Việt. Nhất là kể từ khi huyện Kim Sơn đồng loạt triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự chung sức của nhân dân cũng như sự ủng hộ của con em xa quê, trên 80% cổng làng đã được phục dựng.
Cổng làng Lưu Quang, xã Quang Thiện được xây dựng lại từ tháng 5/2001. Sau gần 4 tháng thi công, công trình đã được hoàn thành. Cổng được xây bằng gạch, phần mái ngói được vuốt cong như mái đình thời xưa. Cột hai bên là hàng chữ Hán Nôm trên nền màu trắng, vàng và đỏ. Thiết kế của chiếc cổng rất mộc mạc, giản dị cũng như bản tính vốn có của con người nơi đây, song lại ẩn chứa những ý nghĩa tinh thần sâu sắc.
Ông Trần Quang Hoàn, làng Lưu Quang, xã Quang Thiện chia sẻ: Việc đóng góp của các hộ dân để xây dựng cổng làng là hoàn toàn tự nguyện, mức đóng góp tùy theo sự hảo tâm chứ không phải bắt buộc. Từ khi cổng làng được dựng lên, sự đoàn kết, nghĩa tình giữa các hộ dân trong làng ngày càng tăng lên, để từ đó, cùng góp sức xây dựng khu dân cư văn minh.
Hầu hết kiến trúc cổng làng ở Kim Sơn gồm cổng tiền và cổng hậu, cổng trước thường hướng Đông - Nam đón gió lành. Cổng hậu nhìn ra hướng Tây mặt trời lặn. Cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam.
Vì vậy, việc phục dựng cổng làng đã được nhân dân địa phương nơi đây rất chú trọng, tập trung vào việc thể hiện rõ nét văn hóa truyền thống, tránh sự phô trương, hình thức gây lãng phí tiền của. Làng Như Độ (xã Như Hòa) ngày nay được chia tách làm 3 xóm.
Vì vậy để gìn giữ, phục dựng lại tên làng cổ lưu truyền cho thế hệ mai sau, nhân dân các xóm đã chung sức đóng góp để xây dựng cổng làng. Ông Nguyễn Văn Sửu, Trưởng ban Khánh tiết làng Như Độ, xã Như Hòa cho biết: Cổng làng được thiết kế từ năm 2014, dựa theo các bản mẫu của ngành văn hóa và tham khảo tại một số địa phương khác.
Từ đó, chúng tôi đã tập hợp, nghiên cứu, chọn lọc và điều chỉnh để thiết kế sao cho phù hợp nhất. Cổng làng Như Độ được xây dựng kiên cố bằng đá nguyên khối với lối kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại. Bốn mặt chạm khắc câu đối, phần mái được mô phỏng từ những ngôi tam quan của đình, chùa xưa, thể hiện ước vọng nhân dân trong làng luôn đoàn kết, đời sống ấm no và thịnh vượng.
Đa phần cổng làng được thiết kế với một lối đi chính, kiến trúc, họa tiết trên cổng đều khắc ghi những dòng chữ mang ý nghĩa nhắc nhở, dạy bảo con cháu mỗi lần bước qua, cũng như giới thiệu khái quát cho khách thập phương về phong tục, tập quán của làng. Hơn thế, những chiếc cổng làng giờ đây còn góp phần tô điểm cho diện mạo nông thôn của mỗi làng quê huyện ven biển Kim Sơn.
Ông Vũ Quốc Xương, Phó Chủ tịch UBND xã Như Hòa, huyện Kim Sơn cho biết: Xã Như Hòa có 3 làng: Như Độ, Hòa Lạc và Tuần Lễ. Cổng làng Như Độ đã được hoàn thành từ năm 2015, cổng làng Tuần Lễ đang được khởi công xây dựng. Điểm nhấn trong thiết kế của các cổng làng chính là phần mái cong, đặc trưng cho kiến trúc đình, chùa xưa. Việc phục dựng cổng làng không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần mà còn góp phần tô điểm cho diện mạo nông thôn mới của địa phương.
Bài, ảnh: Thái Học