Kết quả nổi bật Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 22-9-1997 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH; Nghị quyết số 09 ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 05 ngày 18-7-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển vùng kinh tế ven biển đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, huyện Kim Sơn đã tăng cường quản lý, tập trung khai thác có hiệu quả vùng bãi bồi ven biển.
Với những chính sách thu hút đầu tư, sự nỗ lực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), diện mạo vùng biển đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Kim Sơn đã thực hiện quy hoạch thủy lợi vùng thủy sản và đang triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng kiên cố, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển NTTS như: Dự án nâng cấp đê Bình Minh 2 giai đoạn 2; dự án hàn khẩu, nâng cấp đê Bình Minh 3; dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng công nghiệp vùng bãi bồi ven biển; dự án đường giao thông 6 xã bãi ngang, dự án đường 481… tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản vùng bãi bồi nói riêng.
Cùng với đó, Kim Sơn đã triển khai quy hoạch thị trấn Bình Minh thành trung tâm của huyện trong tương lai, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 3 xã: Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, trong đó xã Kim Đông đã được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới năm 2014.
Trong sản xuất, huyện đã đưa một số đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi thả ở vùng nước mặn, nước lợ như tôm sú, tôm rảo, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá chẽm, cá mú; nhất là phát triển mạnh nuôi ngao với diện tích hàng nghìn ha…
Sản lượng nuôi trồng thủy, hải sản ổn định, năm 2014 ước đạt 13.697 tấn, trong đó ngao trên 12.000 tấn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng 457 tấn; cua xanh 330 tấn; tôm rảo 215 tấn, hải sản khác 655 tấn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ven biển đạt 24%/năm, chiếm gần 30% giá trị sản xuất của huyện, góp phần đưa ngành thủy sản trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh và huyện Kim Sơn.
Quy hoạch phát triển theo hướng bền vững
Để kinh tế biển phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, trong thời gian tới huyện tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tích chất chiến lược, dài hơi.
Trong đó bước đầu tiên là công bố công khai bản Quy hoạch tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân; đồng thời tuyên truyền, quảng cáo thu hút sự chú ý của toàn dân và các nhà đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát và cập nhật những yếu tố mới phát sinh để xem xét điều chỉnh phù hợp.
Triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành (như quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy hoạch khác có liên quan) và các dự án đầu tư được phân kỳ đối với vùng Quy hoạch.
Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư với tổng mức dự kiến khoảng 5.071 tỷ đồng cho giai đoạn 2015-2020 và khoảng 13.812 tỷ đồng giai đoạn 2021-2030. Nguồn vốn huy động từ Trung ương, nước ngoài, doanh nghiệp, dân cư, chương trình tín dụng ưu đãi được tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm, phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển hàng hóa công nghiệp chủ lực tại các khu, cụm công nghiệp, phát triển dịch vụ; phát triển sản xuất hàng hóa, khai khoáng, dịch vụ,....
Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đổi mới 3 khâu then chốt gồm: Quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên; đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài; nâng cao năng suất lao động, hiệu suất đầu tư trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực và áp dụng khoa học công nghệ mới.
Chú trọng nghiên cứu, đề xuất với Trung ương và tỉnh cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với khu kinh tế biển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và công nghiệp, du lịch.
Phối hợp với các khu kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình tổng thể phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp để định hướng phát triển riêng cho vùng ven biển Kim Sơn.
Huyện Kim Sơn chú trọng triển khai xây dựng và thực hiện đồng bộ các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và điểm dân cư, quy hoạch sử dụng đất trong vùng theo hướng hiện đại, đảm bảo tính tổng thể và tính khoa học, sự liên kết chặt chẽ giữa các loại quy hoạch, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành cấp vùng và cấp quốc gia.
Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để phát triển sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông, lâm, nghiệp. Xây dựng quy hoạch và áp dụng tiêu chuẩn ISO đối với hàng hóa chủ lực, đảm bảo uy tín và cạnh tranh.
Trong đó, từng sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thực hiện theo khung định hướng và quy định cụ thể; sản phẩm du lịch tập trung xây dựng thương hiệu Ninh Bình theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới tiêu chuẩn châu Âu; sản phẩm nông nghiệp - thủy sản tập trung đăng ký bảo vệ thương hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản mới như tôm sú, cua, ngao, gạo chất lượng cao, rau, thịt lợn...
Bên cạnh đó, Kim Sơn tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp theo quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển như nhân lực quản lý và vận hành lĩnh vực dịch vụ cảng, du lịch, phát triển thủy sản…
Thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân, nhân viên dịch vụ theo hướng tăng cường cho các ngành sản xuất trọng điểm như cơ khí sửa chữa tàu thuyền, xây dựng chế biến nông lâm, thủy sản….
Hồng Giang