Từ khi có Nghị quyết số 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế ven biển đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, nghề nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên địa bàn càng phát triển mạnh.
Những năm gần đây, vùng ven biển Kim Sơn sầm uất, sôi động bởi thắng lợi từ việc nuôi trồng thủy, hải sản với quy mô lớn. Thành công trong việc đưa tôm sú vào nuôi ở vùng bãi bồi đã mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân. Nhiều gia đình đã đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng khu nuôi trồng theo hướng công nghiệp, hiện đại, đánh dấu bước tiến mới của nghề nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên địa bàn huyện. Sản lượng năm 2002 đạt trên 5.000 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 157 tỷ đồng, trong đó giá trị nuôi trồng là 140 tỷ đồng, góp phần đưa diện tích nuôi trồng thủy, hải sản ở Kim Sơn tăng mạnh.
Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện tăng gần gấp 2 lần so với năm 2002, đạt trên 2.970 ha, trong đó diện tích nuôi trồng nước mặn, nước lợ chiếm chủ yếu, đạt 2.064 ha, chia thành 2 vùng (vùng trong đê Bình Minh 2 trên 1.000 ha, phân bổ ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung và các đơn vị quân đội, còn lại là diện tích vùng ngoài đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3). Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt có trên 900 ha ở các ao, hồ và mô hình lúa - cá.
Năm 2009, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác của toàn huyện đạt trên 9.220 tấn, giá trị đạt gần 250 tỷ đồng, tăng gấp 26 lần so với năm 1995. Đối tượng con nuôi, khai thác cũng ngày một đa dạng, phong phú, như cua biển, tôm sú, tôm rảo, tôm thẻ chân trắng, ngao… Nhiều mô hình, cơ sở sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy sản nước mặn có hiệu quả cao đã xuất hiện như nuôi trồng, khai thác ngao khu vực Cồn Nổi, mô hình nuôi cá chẽm, cá mú, tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm sú xen cá rô phi đơn tính…
Với vùng nước ngọt, ngày càng có nhiều hộ nuôi con đặc sản như ếch, ba ba, cá sấu… tập trung ở các xã Ân Hòa, Kim Định, Cồn Thoi. Tiêu biểu có cơ sở sản xuất giống ếch, ba ba, cá sấu của hộ ông Vũ Cao Thăng (xã Ân Hòa), hàng năm cung cấp khoảng 70 vạn con ếch, 300 con cá sấu, 15 vạn con ba ba giống, 18 tấn ếch, 100 con cá sấu thương phẩm, doanh thu hàng năm đạt trên 3 tỷ đồng; cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Đặng Thanh Doãn (thị trấn Bình Minh) doanh thu đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh lợi nhuận từ nghề nuôi trồng thủy, hải sản, các hộ nuôi cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn. Hầu hết môi trường ao đầm nuôi thủy sản đều bị ô nhiễm. Kinh nghiệm, trình độ, thâm canh còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bảo thủ, không tiếp nhận, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, chủ yếu là nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Công tác quản lý giống con nuôi chưa chặt chẽ, một số hộ dân còn chủ quan, mua giống không đảm bảo nguồn, không được kiểm dịch. Trong khi đó, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thủy sản, đã có không ít hộ nuôi thất thu khi xảy ra dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tính bền vững, tính cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản trong vùng, làm cho việc nhân rộng mô hình điểm và đánh bắt xa bờ khó thực hiện được.
Để đưa nghề nuôi trồng thủy sản thành ngành kinh tế động lực, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện, Kim Sơn đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như lập quy hoạch, xây dựng, điều chỉnh cơ chế quản lý, huy động nguồn lực, đào tạo nhân lực, lao động… đưa việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phát triển đúng hướng, đúng tầm. Huyện luôn khuyến khích các thành phần kinh tế, thu hút mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển và tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên ven biển rừng ngập mặn, vùng nước lợ; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập trên 1 đơn vị sản xuất gắn với bảo vệ vùng đệm cho khu dự trữ bảo tồn sinh quyển vùng ven biển, đảm bảo phát triển bền vững.
UBND huyện chỉ đạo các cấp, ngành hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các tiểu vùng nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 theo hướng công nghiệp; quy hoạch hệ thống thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện; lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất để tiến hành giao đất hoặc đấu thầu diện tích mặt nước phục vụ đầu tư khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản về đất đai, giống, môi trường, bảo vệ rừng; các hoạt động khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức đào tạo nhân lực, lao động kỹ thuật; tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm… cũng đang được các cấp, các ngành, nhân dân trong huyện tăng cường, chú trọng. Ở khu vực Cồn Nổi, huyện đã có kế hoạch cụ thể phát triển kinh tế, trước hết là trồng rừng và nuôi trồng thủy sản.
Để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ sản xuất cho vùng kinh tế biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng như nâng cấp đê Bình Minh 2 giai đoạn 1, giai đoạn 2, dự án hàn khẩu, nâng cấp đê Bình Minh 3, dự án đường giao thông 6 xã bãi ngang, dự án đường ĐT 481… tạo điều kiện để nghề nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản của vùng biển Kim Sơn đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Hoàng Tâm