Với đặc thù là huyện có đông đồng bào theo đạo (chiếm 52,29% dân số, trong đó, đạo Công giáo chiếm 47,07%, Phật giáo chiếm 5,22%), thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn luôn xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể làm tham mưu, nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động. Do vậy để kịp thời nắm bắt và giải quyết những băn khoăn, bức xúc của các tầng lớp nhân dân trong huyện, từ năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn chỉ đạo tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với đại diện các đối tượng ở thôn, xóm, tổ dân phố.
Tính đến nay, huyện đã tổ chức thành công 7 cuộc đối thoại trực tiếp với Bí thư chi bộ; Trưởng thôn, xóm, khối phố; Trưởng ban công tác Mặt trận; Bí thư chi đoàn thanh niên; Chi hội trưởng chi hội phụ nữ; Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh của 298 thôn, xóm, khối phố; Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS, Trạm trưởng trạm Y tế… với hơn 2.000 đại biểu tham dự và đã có gần 1.500 ý kiến, kiến nghị. Tại các cuộc đối thoại, các kiến nghị, phản ánh đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trả lời cụ thể, rõ ràng từng ý kiến. Đồng thời chỉ ra những việc chính quyền và nhân dân đã làm được và những việc khó khăn, vướng mắc để nhân dân đồng thuận, chia sẻ với chính quyền địa phương. Những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của địa phương, người chủ trì đối thoại đã trực tiếp giao cho các cơ quan chuyên môn trực tiếp trả lời, giải thích làm rõ cho nhân dân hiểu và có văn bản giải quyết cụ thể từng vấn đề như: Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; sửa chữa, nâng cấp các tuyến giao thông, kênh mương thủy lợi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng thẳng thắn tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý đối với những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà nhân dân. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên đã được tổng hợp đầy đủ để báo cáo cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết...
Ngoài việc đối thoại định kỳ hàng năm, Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện còn tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại chuyên đề với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở những địa bàn có vấn đề nổi cộm để nắm bắt thêm thông tin, cùng Ban Thường vụ Huyện ủy có những chủ trương chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và xử lý ngay những vấn đề nóng, nhằm ổn định tình hình trên địa bàn huyện. Qua đối thoại, một số vụ việc kéo dài nhiều năm đã được chỉ đạo, xem xét giải quyết thấu đáo, được nhân dân đồng tình như: Vụ việc của bà Lê Thị Nhuận, phố Trì Chính, thị trấn Phát Diệm; vụ ông Lê Hải Sơn và một số công dân ở xóm 3, 4, 5 xã ân Hòa; vụ việc xảy ra tại số nhà 46, phố Phát Diệm Đông, thị trấn Phát Diệm…. Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân theo Quyết định số 1248-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được chỉ đạo triển khai đồng bộ ở các xã, thị trấn. Năm 2016, có 24/27 xã, thị trấn tổ chức đối thoại; 6 tháng đầu năm 2017 có 6/27 xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại với trên 3.000 người tham dự và đã có trên 500 ý kiến, kiến nghị tại hội nghị được giải đáp. Sau các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, tình hình tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chủ đề đối thoại được cán bộ, đảng viên và nhân dân thông suốt, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên, mối quan hệ gắn bó ngày một khăng khít hơn. Nhân dân được cung cấp thông tin chính thống về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, qua đó nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn của địa phương, thấy được phần trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở huyện Kim Sơn cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, là bước đột phá trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền theo phương châm hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Thông qua đối thoại đã góp phần tăng cường trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phục vụ nhân dân tốt hơn và chịu sự giám sát của nhân dân.
Đào Duy