Kể từ đó đến nay, hiến tặng giác mạc đã trở thành nghĩa cử cao đẹp được nhiều người dân Kim Sơn hưởng ứng và trở thành một phong trào mang đậm ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Trao đổi với ông Phạm Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn được biết: Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời với mong muốn giúp cho những người mù lòa có cơ hội nhìn thấy ánh sáng hiện nay ở Kim Sơn đã trở thành một phong trào sôi nổi, ý nghĩa, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng bằng hành động cụ thể. Nếu như ban đầu việc tuyên truyền, vận động còn gặp khó khăn do nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa hiểu đúng, đầy đủ về việc hiến tặng giác mạc.. thì bây giờ hoạt động tuyên truyền của đội ngũ tình nguyện viên chữ thập đỏ đã thuận lợi hơn nhiều.
Với vai trò của mình, Hội Chữ thập đỏ huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai các nội dung của phong trào, củng cố, kiện toàn và trang bị cho đội ngũ tình nguyện viên chữ thập đỏ các cấp các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Trong thực hiện phong trào, cùng với vai trò của Hội Chữ thập đỏ các cấp, Hội Chữ thập đỏ cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về ý nghĩa, việc làm cao cả của việc hiến tặng giác mạc, nhiều linh mục như: Linh mục ở chính xứ Cồn Thoi, chính xứ Văn Hải, chính xứ Kim Trung, chính xứ Tân Khẩn... đã tích cực tham gia, giảng giải để giáo dân xóa bỏ được định kiến về tâm linh, thay đổi nhận thức để có nghĩa cử cao đẹp, "Sống tốt đời đẹp đạo". Xuất phát từ đặc thù là địa bàn có đông đồng bào có đạo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các xã, thị trấn của huyện Kim Sơn phối hợp với nhà thờ xứ, nhà thờ họ trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân, nhất là những người có đạo hiểu được ý nghĩa của phong trào, sự cần thiết nên hiến tặng giác mạc...
Được sự giúp đỡ từ các linh mục, các chánh trương, trùm trưởng đã tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cơ sở đến từng hộ gia đình có người già yếu thăm hỏi, động viên kết hợp tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc. Những buổi đi tuyên truyền như thế đã giúp cho nhiều người hiểu được việc làm cao cả này và tiếp tục vận động những người trong gia đình, họ hàng, làng xóm cùng tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Bản thân đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng chính việc làm thiết thực là đăng ký hiến tặng giác mạc và vận động người thân cùng tham gia. Qua 6 năm thực hiện phong trào, Kim Sơn đã có 8.700 người đăng ký hiến tặng giác mạc, 27/27 xã, thị trấn đều có người đăng ký hiến tặng giác mạc. Đến nay trong cả nước có 179 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời thì riêng huyện Kim Sơn đã có 128 người, giúp cho 256 người có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Những đơn vị tiêu biểu trong phong trào hiến tặng giác mạc là các xã: Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Tân, Kim Đông…
Những năm qua, phong trào hiến tặng giác mạc ở huyện Kim Sơn tiếp tục có bước phát triển với sự tham gia của đông đảo người dân tìm đến Hội Chữ thập đỏ đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc đều với tâm nguyện được giúp đỡ những người không may mù lòa có cơ hội nhìn thấy ánh sáng, coi đó là việc làm nhân nghĩa, thể hiện truyền thống "bầu ơi thương lấy bí cùng" của dân tộc.
Ông Phan Văn Hựu ở xóm 6, xã Định Hóa về dự lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc, vận động hiến tặng giác mạc do Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Kim Sơn chia sẻ: Gia đình tôi có mẹ tôi là cụ Trần Thị Phan (86 tuổi) đã hiến tặng giác mạc khi qua đời vào năm 2010. Trân trọng tấm lòng của mẹ và với tâm nguyện muốn được giúp đỡ những người có bệnh lý về mắt có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, bố tôi và các thành viên trong gia đình đều đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Việc làm nhỏ bé của gia đình tôi với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ và đem lại cơ hội cho những người không may bị mù do các bệnh lý về mắt.
Ghi nhận về phong trào hiến tặng giác mạc ở huyện Kim Sơn, bác sỹ Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của những những người dân huyện Kim Sơn trong phong trào hiến tặng giác mạc rất đáng trân trọng bởi họ đã trao cơ hội cho những người không may bị mù lòa được nhìn thấy ánh sáng, thay đổi cuộc đời.
Hiện cả nước có 12 tỉnh, thành phố có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, trong đó chủ yếu tập trung ở huyện Kim Sơn và một số địa phương của tỉnh Ninh Bình, đưa Kim Sơn là đơn vị cờ đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc. Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương luôn quan tâm làm tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe về mắt cho nhiều thân nhân của người hiến tặng giác mạc, tổ chức khám miễn phí, có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp đối với thân nhân những người hiến tặng giác mạc khi đến khám, chữa các bệnh về mắt tại bệnh viện…
Bùi Diệu