Khoảng chục năm trở về trước, một vài hộ nông dân của xã Yên Mật mới bắt đầu học hỏi cách gieo sạ lúa từ những xã giáp ranh của huyện Yên Khánh.
Vậy mà từ năm 2016 đến nay, người nông dân ở đây đã bỏ hẳn thói quen gieo mạ nền, cấy lúa non để chuyển sang gieo sạ 100% diện tích. Cũng bởi thế mà ngay từ đầu tháng 7, trong khi các địa phương khác còn đang loay hoay đắp bùn để gieo mạ, thì xã Yên Mật đã hoàn thành việc gieo cấy hơn 140ha diện tích lúa mùa năm 2019.
Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Mật dẫn chúng tôi đi thăm đồng lúa đang vươn lên xanh tốt và cho biết: Đến ngày 2/7, toàn bộ diện tích ruộng đồng của xã đã được "phủ xanh". Chỉ gần một tuần lễ, bà con nông dân đã gieo sạ xong. Mỗi gia đình đều huy động từ 2-3 lao động, san phẳng mặt ruộng đến đâu là vãi hạt giống đến đó.
Hiện nay, lúa đã lên xanh, là thời điểm cần phải tích cực chăm bón để lúa sinh trưởng phát triển. Theo ông Bình, việc chăm bón lúa gieo sạ thời điểm này chủ yếu là dặm tỉa để đảm bảo mật độ hợp lý giữa các khóm lúa. Duy trì mực nước trên mặt ruộng để dưỡng lúa, đồng thời bón thúc cho lúa với phương châm "bón sớm, tập trung, nặng đầu nhẹ cuối" nhằm tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh sớm tập trung.
Tại HTX Đồng Hướng, trong tổng diện tích hơn 380ha lúa vụ mùa có đến 40% diện tích gieo cấy giống lúa Nếp hạt cau. Giống lúa mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là nếp đen đã chiếm được niềm tin của họ, từ những kết quả khả quan về năng suất, sản lượng và lợi nhuận trong vụ mùa năm 2018.
Bởi vậy, năm nay diện tích cấy lúa nếp hạt cau tại Đồng Hướng tăng lên gấp rưỡi. Ông Nguyễn Viết ái, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Hướng cho biết: Lúa nếp hạt cau là giống lúa chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, việc chăm sóc và bảo vệ lúa được HTX đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc bà con nông dân chăm bón đúng thời vụ, HTX cũng khuyến cáo các hộ thành viên thường xuyên tổ chức thăm đồng, tập trung cho công tác diệt chuột. Đầu vụ sản xuất, HTX đã phân phối 17kg thuốc diệt chuột Cat 0,25WP cho 16 đội sản xuất để tổ chức diệt chuột, kết hợp với phương pháp đánh bắt thủ công trong suốt cả vụ sản xuất. Về bón thúc cho lúa nên sử dụng các loại phân bón NPK tổng hợp và phân đa dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ khoáng chất cho lúa.
Từ trung tuần tháng 7/2019, các địa phương của huyện Kim Sơn đã hoàn thành gieo cấy gần 8.200ha lúa vụ mùa. Từ đó đến nay, các HTX nông nghiệp đôn đốc bà con nông dân tập trung khâu chăm sóc và bảo vệ lúa. Do đầu vụ sản xuất, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mạ sinh trưởng kém, khi gieo cấy cần chăm bón kỹ lưỡng để lúa bén rễ hồi xanh.
Cùng với đó bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách bón phân hợp lý, cung ứng đủ nước để dưỡng lúa. Ngoài việc tỉa dặm và bón thúc cho lúa, các địa phương trong huyện tăng cường các biện pháp thu gom, diệt ốc, trứng ốc bươu vàng. Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, ngay từ đầu vụ sản xuất, các HTX nông nghiệp trong toàn huyện đã triển khai từ 1 - 2 đợt diệt chuột tập trung bằng mồi bả sinh học, phát động nhân dân đánh bắt chuột bằng phương pháp thủ công.
Vào đầu tháng 8 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây mưa trên địa bàn huyện Kim Sơn. Tuy lượng mưa không lớn nhưng với tinh thần chủ động, đảm bảo an toàn cho sản xuất, các HTX nông nghiệp đã tiến hành rút nước trong đồng ruộng, đề phòng tình trạng ngập úng.
Đây là việc làm cần thiết, bởi sản xuất lúa vụ mùa là thời gian thường xuyên xảy ra mưa bão. Được biết đầu vụ sản xuất, Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Sơn và các địa phương đã chủ động kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy bơm, sẵn sàng hoạt động để bơm tiêu úng cho lúa vụ mùa.
Bài, ảnh: Thái Học