Phố Phú Vinh (thị trấn Phát Diệm) được công nhận phố văn hóa cấp tỉnh từ năm 2003. Hơn 10 năm nay, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, nhân dân phố Phú Vinh đoàn kết xây dựng phố văn hóa tiêu biểu của huyện. Đồng chí Phan Thanh Hải, Bí thư chi bộ phố Phú Vinh cho biết: Phố hiện có 365 hộ, trong đó 96 hộ là đồng bào Công giáo. Với sự đoàn kết lương - giáo, các hộ dân trong phố đã giúp nhau phát triển kinh tế, đồng lòng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng đường làng, ngõ phố khang trang, sạch đẹp, đạt tiêu chí nông thôn mới, khu phố văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ được nhân dân trong phố hưởng ứng tích cực, sôi nổi. Phố luôn là điểm sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng của thị trấn Phát Diệm. Hiện nay, tỷ lệ gia đình văn hóa của phố đạt 95%; 100% đường dong được bê tông hóa; 100% hộ sử dụng điện lưới; 100% hộ sử dụng nước sạch; phố nhiều năm liền không có tai, tệ nạn xã hội; tỷ lệ hộ nghèo của phố còn 0,38%. Năm 2011, phố Phú Vinh được UBND tỉnh công nhận làng nghề cói. Năm 2014, phố được UBND huyện Kim Sơn công nhận phố văn hóa tiêu biểu 5 năm (2010-2014). Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực hiện có hiệu quả. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện phong trào gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát hiện, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, thực hiện tốt các phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt", "Học tập, lao động sáng tạo", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền"... Trong đó, nổi bật là Công an huyện với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xây dựng địa bàn không có tệ nạn xã hội, phòng ngừa, tố giác tội phạm, giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Ngành Y tế với công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhân rộng phong trào hiến giác mạc. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đẩy mạnh thực hiện phong trào "Gia đình nông dân văn hóa", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Hội Cựu chiến binh gương mẫu"…
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng làng, thôn, xóm, phố văn hóa phát triển mạnh mẽ, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 42.820/49.090 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 87,2%; 100% làng, thôn, xóm, phố đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước có chất lượng và phù hợp với sự phát triển của xã hội; 215/298 xóm đạt chuẩn văn hóa; 22 xóm đạt xóm văn hóa tiêu biểu 5 năm liền.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng các thiết chế văn hóa được các địa phương phát động mạnh mẽ. Năm 2014, huyện đã xây dựng mới 25 nhà văn hóa thôn, xóm. Hiện nay, toàn huyện có 184/298 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 61,7%; Tiếp nhận 864 tấn xi măng, đổ bê tông làm mới và nâng cấp 6,82 km đường giao thông thôn, xóm.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27-CT/T.Ư ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cưới được tổ chức theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc, của địa phương, phù hợp với điều kiện của từng gia đình, không phô trương, việc tổ chức ăn uống dài ngày giảm; việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, thực hiện đúng quy định Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương.
Phong trào thể dục thể thao ngày càng phát triển mạnh. Các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng. Những môn thể thao được nhân dân tham gia luyện tập thường xuyên như cầu lông, bóng bàn, tennis, thể dục thẩm mỹ, bóng đá, bóng chuyền, kéo co, bơi chải, vật, thể dục dưỡng sinh. Toàn huyện có 10.560/49.090 gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao, số người luyện tập thường xuyên đạt tỷ lệ 23%.
Bài, ảnh: Hồng Vân