Trong mỗi vùng có đặc điểm địa hình phức tạp khác nhau và hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão biển và lũ sông Đáy, sông Tống Giang, là vùng chịu ảnh hưởng khi xả lũ Đập Đáy. Trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết có những thay đổi bất thường, không theo quy luật, hạn hán kéo dài, bão lũ liên tiếp xảy ra, đặc biệt là năm 2005 (bão số 2, số 6, số 7), năm 2007 (bão số 4, số 5) đổ bộ trực tiếp vào địa bàn huyện Kim Sơn gây thiệt hại lớn. Dự báo trong mùa mưa bão năm 2009 khả năng sẽ có nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta. Chính vì vậy, phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi huyện Kim Sơn phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sẵn sàng đối phó với mưa bão. Đồng chí Trần Anh Tuyên, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện cho biết: Để chủ động phòng, chống lụt bão trong năm 2009, huyện Kim Sơn đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai công tác PCLB&TKCN. Huyện đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN của huyện, các tiểu khu, các ngành, các xã, thị trấn. Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tiểu khu hoạt động trên cơ sở phương án PCLB&TKCN của huyện, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra chất lượng đê, kè, cống trên địa bàn, kiểm tra việc chuẩn bị PCLB&TKCN của các xã, thị trấn. Phương châm PCLB&TKCN của huyện là thực hiện tốt "4 tại chỗ", chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân do thiên tai gây ra.
Để đảm bảo lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời với mưa bão và những sự cố có thể xảy ra bất ngờ, huyện đã giao cho các xã, thị trấn tổ chức từ 1-2 tổ tuần tra canh gác đê, kè, cống, mỗi tổ từ 4-6 người và một lực lượng xung kích hộ đê cứu hộ cứu nạn (100 người) trực tại các vị trí gần trọng điểm để ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Riêng hai xã Thượng Kiệm, Kim Chính có địa bàn rộng, dân số đông, có đê hữu Vạc đi qua cần chuẩn bị lực lượng tuần tra đê mỗi xã 4 tổ và lực lượng hộ đê nhiều hơn (150 người). Các doanh nghiệp xây dựng thi công công trình tu bổ đê, kè năm 2009 chuẩn bị lực lượng (mỗi đơn vị 30 người) trực tại các vị trí đơn vị thi công để ứng cứu khi cần thiết. Giao cho các xã Lưu Phương, Tân Thành, Yên Lộc, Như Hòa, Hùng Tiến, Đồng Hướng, Quang Thiện mỗi đơn vị chuẩn bị 50 người để chi viện hộ đê cho các xã có đê tả Vạc và hữu Vạc đi qua. Giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện ký hợp đồng với các đơn vị quân sự (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Trường Quân sự Quân đoàn I, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình...) khi có tình huống yêu cầu sẽ ứng cứu cho các vị trí xung yếu với số lượng từ 300 - 350 người. Về vật tư tại chỗ, huyện đã chuẩn bị trên 5.000 m3 đá hộc tại các vị trí xung yếu; 420 bộ rọ thép; gần 700 chiếc mai, cuốc, xẻng; trên 66.000 bao tải; 1.000 kg dây thép; vải bạt chắn sóng, nhà bạt, phao cứu sinh, áo cứu sinh... Vật tư giao cho các xã chuẩn bị gồm 30.000 bao tải, 60.000 cây tre, 31.000 cọc tre, 88 thuyền vận tải, 87 xe vận tải. Về kỹ thuật và hậu cần tại chỗ, huyện bố trí ở từng tiểu khu có cán bộ thủy lợi, thủy nông trợ giúp Ban chỉ huy PCLB&TKCN về mặt chuyên môn; bố trí hậu cần đầy đủ tại từng vị trí xung yếu.
Đồng chí Trần Anh Tuyên cũng cho biết: được Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư nên các hệ thống công trình thủy lợi của huyện Kim Sơn được đầu tư nâng cấp. Qua công tác kiểm tra đê, kè, cống cho thấy, đê Bình Minh II đã cơ bản hoàn thành có khả năng chống bão và chịu được sức gió cấp 12 và thủy triều trung bình. Đây là tuyến đê quan trọng trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão biển, nhưng vẫn còn một số công trình, hạng mục của các tuyến đê hữu Đáy, tả Vạc, hữu Vạc, đê Càn được xây dựng đã lâu nên kè bị xói lở, cống bị hư hỏng, han rỉ, mái đê bị sạt lở nhiều chỗ, mặt cắt đê nhỏ hẹp, cao trình đê thấp... Hiện tại, toàn huyện có 7 trạm bơm tiêu với 45 máy có công suất từ 1.000 - 4.000 m3/h, trong đó có 4 trạm bơm xây dựng từ lâu đã xuống cấp, chỉ đạt 60-70% công suất thiết kế. Vì vậy, khả năng tiêu úng bằng động lực chưa đảm bảo yêu cầu sản xuất, hàng năm các xã vẫn phải có phương án tiêu úng cục bộ khi có mưa lớn. Qua kiểm tra, huyện xác định các điểm xung yếu trong mùa mưa bão năm nay là cống Điện Biên, Tùng Thiện, Chất Thành, Lạc Thiện, Chợ Năm Dân, Càn Cụt; kè Chất Thành, Xuân Đài; đê tả Vạc, đê hữu Vạc... Huyện có vùng kinh tế mới gồm ba xã ven biển là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải và hai đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện, đồng thời là trọng điểm phòng, chống lụt bão, với tổng diện tích 1.932 ha. Khu vực ngoài đê Bình Minh II có tổng diện tích 4.550 ha bao gồm vùng bãi bồi và cồn nổi. Vùng bãi bồi ven biển nhân dân đang nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.002 ha và 210 ha nuôi thủy sản không bờ với trên 1.000 hộ (trên 4.000 nhân khẩu) đang khai thác, nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhiệm vụ di dân vùng kinh tế biển khi có bão cấp 7 trở lên là hết sức quan trọng. Vùng ngoài đê Bình Minh II là vùng cửa biển, khi có bão, nước thủy triều lên rất nhanh, toàn bộ đường giao thông vùng bãi bồi bị ngập, việc đi lại nguy hiểm. Huyện cũng đã xây dựng phương án và chuẩn bị tốt các điều kiện để di dân vùng bãi bồi ven biển. Đồng thời hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương tiện di chuyển tài sản, con người khi có bão. Về lực lượng tổ chức di dân, ngoài lực lượng của quân đội, công an, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã giao cho các xã vùng kinh tế biển và hai đơn vị quân đội có phương án riêng về lực lượng và phương tiện bổ sung để tăng cường giúp dân đi sơ tán. Mỗi xã ven biển có một lực lượng xung kích từ 10 - 15 người khi có bão số 7 trở lên, thường trực tại các vị trí được phân công theo phương án PCLB&TKCN. Phương tiện di dân và cứu hộ gồm 4 tàu máy, 2 xuồng máy của các đơn vị tham gia tìm kiếm cứu nạn; 5 xe ô tô tải và 5 ô tô khách; ngoài số thuyền đã có của dân, mỗi xã ven biển đã chuẩn bị 5 thuyền nhỏ chở được từ 5 - 10 người và từ 1 - 5 xe tải nhỏ, gần 1.000 phao cứu sinh. Khi có bão cấp 7 trở lên có khả năng đổ bộ vào địa bàn, khẩn trương dùng các phương tiện đèn, tín hiệu, loa đài các máy vô tuyến thông báo gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; các hộ nuôi trồng, đánh bắt hải sản ngoài đê Bình Minh II phải di chuyển vào trong đê Bình Minh II. Khi có bão khẩn cấp từ cấp 12 trở lên đổ bộ vào địa bàn cần di chuyển toàn bộ nhân dân kể cả ở phía trong đê Bình Minh II vào khu vực an toàn theo phương án.
Hương Giang