Ngay từ đầu năm, huyện Kim Sơn đã tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) từ huyện đến cơ sở, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí thành viên. Sau khi kiện toàn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tập trung rà soát từng địa bàn, đánh giá hiện trạng công trình và xác định cụ thể trọng điểm PCTT để xây dựng, hoàn thiện phương án PCTT của các cấp, các ngành theo phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo chi tiết, cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương. Trong phương án PCTT, huyện đã đưa ra các tình huống cụ thể, biện pháp xử lý để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, xây dựng phương án cụ thể, chi tiết nên khi có bão, huyện Kim Sơn đã chủ động trong mọi tình huống. Điển hình như cơn bão số 2 vừa đi qua, dự báo Ninh Bình là một trong những tỉnh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gây mưa lớn. Trước tình hình đó, huyện Kim Sơn đã triển khai tốt theo phương án PCTT, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.
Đồng chí Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão. Tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền đang di chuyển trong vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông để hướng dẫn phòng tránh.
Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn khi mưa bão đổ bộ vào đất liền.
Cùng với đó, huyện Kim Sơn đã tổ chức phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi vào nơi an toàn. Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, địa phương, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, huyện đã tiến hành di dời toàn bộ dân ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi và thông báo, kêu gọi toàn bộ 130 chủ phương tiện, 405 thuyền viên về nơi cư trú an toàn.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tiểu khu, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Công tác phòng chống cơn bão được các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn huyện tích cực triển khai, bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn nhất về người và tài sản cho nhân dân.
Đặc biệt, chính quyền các xã, thị trấn và các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống mưa bão như: chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, diện tích nuôi trồng thủy sản và tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi…Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đại bộ phận người dân đã nắm bắt được những thông tin cần thiết và khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó.
Theo anh Nguyễn Văn Chính, xã Kim Trung - chủ thuyền đánh bắt xa bờ: "tàu đang đánh bắt ngày thứ 3 ở ngoài khơi, nghe thấy tin áp thấp nhiệt đới và thông báo của xã, chúng tôi nhanh chóng vào bờ, đồng thời thực hiện các bước neo đậu đảm bảo an toàn tránh bão. Không chỉ thuyền của tôi mà tất cả các chủ thuyền ở đây đều thấy được mức độ nguy hiểm của bão và thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình tránh bão khi được tuyên truyền, thông báo".
Không chỉ các chủ tàu thuyền mà các hộ nuôi trồng thủy sản của Kim Sơn cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ sản xuất khi có mưa bão. Ông Nguyễn Văn Cường, xã Kim Đông cho biết: "Gia đình tôi có hơn 1 ha đầm nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Mỗi khi nghe tin có bão, tôi và các thành viên trong gia đình thường xuyên kiểm tra lại bờ vùng, ao nuôi, bạt che...đảm bảo con nuôi không bị sáo trộn".
Cũng theo ông Cường, mỗi lần có bão, các hộ nuôi tôm ở đây thực sự lo lắng và đứng ngồi không yên vì nếu bão to, mưa lớn, các chỉ số khác trong ao nuôi sẽ bị thay đổi, tôm khó thích ứng dễ dẫn đến thiệt hại. Vì vậy hộ nào cũng tính toán các phương án để có biện pháp xử lý kịp thời như: có biện pháp che chắn để hạn chế thấp nhất nước mưa vào ao; xử lý nước trong ao nuôi để giữ cân bằng các chỉ số như độ pH, độ mặn, độ kiềm...
Như vậy, với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống mưa bão có thể xảy ra, cùng sự chủ động của người dân, công tác phòng chống lụt, bão của huyện Kim Sơn đang phát huy hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi mưa bão xảy ra.
Hồng Giang