Sau 2 tháng liên tiếp giảm, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đã nhích lên khoảng 2,8% so với tháng trước, đạt 4,279 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chưa cứu vãn được tình hình xuất khẩu chung của cả 5 tháng đầu năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 25/5 cũng cho thấy, tính chung cả 5 tháng, con số này vẫn chỉ đạt xấp xỉ 23 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực thuộc "Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô" của Việt Nam đều giảm mạnh từ 9 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái, như giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, cà phê, thủy sản, hạt điều. Trong số này, dầu thô giảm mạnh nhất với 44%. Chỉ duy nhất mặt hàng gạo là luôn giữ "phong độ" với mức tăng liên tiếp qua các tháng và đạt gần 3,2 triệu tấn trong 5 tháng, kim ngạch đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tăng trên 43% về lượng và 20% trị giá so với cùng kỳ năm 2008. Ngoài gạo, trong số các mặt hàng có mức tăng "hiếm hoi" còn có chè, đá quý và kim loại quý, sắn và các sản phẩm của sắn. Trong khi xuất khẩu chưa gượng dậy được do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu thì nhập khẩu lại có xu hướng tăng với trị giá ước tính 5,9 tỷ trong tháng 5, đưa Việt Nam trở lại tình trạng nhập siêu với mức chung của cả 5 tháng đầu năm là trên 1,1 tỷ USD. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh suy thoái kinh tế, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội nhấn mạnh các giải pháp cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng chế tạo, chế biến, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước, chú ý khai thác các khu vực ít bị tác động của suy thoái kinh tế. Lường trước những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 13% xuống còn 3%. Đối với giới chuyên gia, chuyên viên nghiên cứu chiến lược thương mại của Bộ Công thương, ông Nguyễn Đình Bích lại lạc quan cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tuy giảm tốc mạnh nhưng vẫn "sáng sủa" hơn nhiều so với các đầu tàu xuất khẩu trong khu vực. Sự "sáng sủa" này, theo ông Bích, bắt nguồn từ hai lý do chủ yếu mà những "bậc đàn anh trong làng thương mại thế giới" không có. Đó là lợi thế từ việc nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nên nông sản chiếm đến trên 20% rổ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và lợi thế không nhỏ về giá nhân công rẻ khiến "sức chịu đựng" của Việt Nam cao hơn trước tình trạng giá hàng hóa thế giới giảm mạnh.
Theo Vietnam+