Từ khi tái lập tỉnh đến nay tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, có tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu. Điển hình như chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010; đề án phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015; kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020...
Các chính sách này chủ yếu hỗ trợ về vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Trong đó hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quảng bá tiềm năng xuất khẩu của tỉnh, giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, duy trì và phát triển thị trường.
Chính sách hỗ trợ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng. Bên cạnh các chính sách có tác động khuyến khích trực tiếp cho hoạt động xuất khẩu, tỉnh còn ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu du lịch nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh công nghiệp ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh phát triển.
Các chương trình khuyến công địa phương đã tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã sản phẩm... giúp cho các doanh nghiệp sản xuất tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm.Cùng với đó, những năm qua, tỉnh ta đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tham gia đầu tư các dự án vào tỉnh. | Kim ngạch xuất khẩu qua các năm - Năm 1992: 2,5 triệu USD - Năm 2000: 11,9 triệu USD - Năm 2005: 22 triệu USD - Năm 2010: 98,2 triệu USD - Năm 2015: 974,4 triệu USD - Năm 2016: 1.020 triệu USD |
Về phía cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu có sự lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp đã đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính đến nay toàn tỉnh có 75 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tăng 55 doanh nghiệp so với năm 2010.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao đi vào hoạt động có hiệu quả, đóng góp giá trị lớn cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh như: Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công; nhà máy sản xuất Camera modul; linh kiện điện tử MCNex Vina; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao...
Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, cùng với những cơ chế, chính sách, giải pháp của tỉnh những năm qua đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng nhanh qua các năm. Nếu như năm đầu tái lập tỉnh kim ngạch xuất khẩu mới đạt gần 2,5 triệu USD thì đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt 1.020 triệu USD, tăng gấp 408 lần. Trong đó các mặt hàng chủ lực có sự dịch chuyển theo từng giai đoạn khác nhau.
Từ năm 1992 -2000 tập trung vào các nhóm hàng chính là thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm và hàng lâm sản. Giai đoạn từ năm 2001-2005 cùng với mức tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu của các mặt hàng thịt đông lạnh, hoa quả, hàng thêu ren có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm đầu tái lập tỉnh.
Giai đoạn 2006-2010 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nên nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm có sự giảm sút đáng kể cả về sản lượng và giá trị, nhưng nhóm hàng may mặc vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.
Từ năm 2011-2015 cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế như: hàng nông sản chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép các loại...
Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng thông qua đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, vừa mở ra thị trường mới, vừa khai thác tốt hơn thị trường đang có. Đến nay, sản phẩm của tỉnh đã được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều sản phẩm đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.
Dự báo giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp của tỉnh có xu hướng tăng mạnh, nhất là các sản phẩm sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép) do có nhiều dự án mới đi vào sản xuất; các mặt hàng về nông sản chế biến sẽ tăng do tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do như: Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh kinh tế á - Âu.
Do đó, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển, trong thời gian tới các ngành, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu theo kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020.
Trong đó tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ (nhất là các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch có giá trị gia tăng cao) vào các khu, cụm công nghiệp để tạo sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu: gạo, rau quả, hạt đóng hộp...
Mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm, lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào phù hợp với yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Đa dạng hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tạo ra sự khác biệt và phong phú cho sản phẩm, trong đó đặc biệt coi trọng việc phát huy thế mạnh các làng nghề truyền thống. Chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm xuất khẩu.
Thực hiện tốt các chính sách và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương, đúng quy định của Nhà nước nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, đất đai, môi trường... Trong đó phấn đấu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp bằng mức trung bình của các nước Asean 4.
Hồng Giang