Lần theo những chiến công của quân, dân huyện Kim Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được ghi trong cuốn Lịch sử LLVT huyện, chúng tôi về địa phương tìm hiểu, "lật giở" chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của những chiến sĩ dân quân Kim Đài năm xưa. Nhắc đến những chiến công xưa, nét mặt họ ai nấy đều rạng ngời. Qua lời kể đã hiện lên trong chúng tôi một quá khứ gian khổ nhưng oanh liệt của những năm tháng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Trung đội dân quân phòng không Kim Đài năm xưa.
Thôn Kim Đài (xã Kim Chính, Kim Sơn) có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ phá hoại. Đây là vùng ngã 3 sông Đáy, sông Vạc, tiếp giáp giữa 3 tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, được coi là "cửa ngõ" của tỉnh, của quân khu. Trong thời chống Pháp, địch đã nhận thấy vị trí chiến lược này và đặt bốt chốt giữ nơi đây. Trong chiến tranh chống Mỹ, máy bay địch thường lợi dụng cửa Đáy đi theo đường sông để vào bắn phá các mục tiêu trong đất liền. Ngoài vị trí là tuyến đường bay vào của máy bay địch, Kim Đài còn là một trọng điểm bắn phá để ngăn chặn các tuyến giao thông đường sông, đường biển của ta.
Nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng của địa bàn vùng ven biển, huyện đội Kim Sơn đã quyết định thành lập các trung đội dân quân trực chiến ở một số xã. Trung đội dân quân Kim Đài là đơn vị được thành lập rất sớm gồm những thanh niên có tinh thần nhiệt tình cách mạng, có sức khỏe và lòng dũng cảm, thường trực để phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Từ chủ trương đó, những lá đơn tình nguyện, xung phong vào trung đội dân quân đã được viết nên bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, bằng tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập của dân tộc. Năm 1960, Trung đội dân quân Kim Đài được thành lập với 37 thành viên, trong đó có 12 người là nữ. Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, tuổi tác khác nhau, song các anh, các chị đều xung phong tham gia lực lượng dân quân, mong được góp sức vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, chiến đấu lập công, thi đua với các chiến sĩ ngoài mặt trận. Thời điểm mới thành lập, trung đội được trang bị chủ yếu là súng trường K.44. Nhiệm vụ chính của trung đội thời kỳ đầu là chốt giữ để kiểm soát đường sông, đường biển. Sau khi được trang bị thêm vũ khí, bổ sung thêm hỏa lực phòng không mạnh gồm 2 khẩu đại liên, trung đội dân quân Kim Đài được chuyển thành trung đội dân quân phòng không trực chiến. Trong khoảng thời gian đó, Trung đội dân quân Kim Đài đã thường xuyên luyện tập, nâng cao cảnh giác, phòng chống gián điệp, biệt kích, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng vũ trang trong khu vực ven biển bắn rơi chiếc máy bay C.47 chở biệt kích ngụy xâm lược vùng ven biển Kim Sơn. Năm 1967, khi đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt vào Ninh Bình, trung đội phòng không Kim Đài đã được bổ sung 3 khẩu súng máy phòng không 12ly7 để làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đánh trả máy bay địch. Tiếp nhận vũ khí mới, trung đội đã cử cán bộ đi học trên huyện rồi về hướng dẫn cho nhau để ai cũng có thể làm chủ vũ khí, trang bị đảm nhiệm được các vị trí của khẩu đội khi cần thiết, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng máy bay Mỹ, bảo vệ vùng trọng điểm cửa ngõ. Ban Chỉ huy trung đội bấy giờ gồm một trung đội trưởng là ông Trần Mạnh Thùy, trung đội phó là các ông: Vũ Văn Tài, Phạm Hồng Tiến, Phạm Ngọc Chương. 4 người trong Ban Chỉ huy trung đội giờ chỉ còn lại ông Phạm Ngọc Chương, người tiếp chuyện và cùng chúng tôi ôn lại quá khứ hào hùng một thời hoa lửa của trung đội dân quân ngày ấy. Ông hồi tưởng lại: Trung đội thời đó được chia thành 3 bộ phận, 1 bộ phận trực chiến, 1 bộ phận sản xuất tự túc lương thực nuôi quân, còn một bộ phận đánh bắt thủy, hải sản. Mỗi người một công việc nhưng tất cả các thành viên đều ăn tập thể, nằm lán chung tại trung đội. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, gian nan, vất vả là thế nhưng ai cũng hăng hái, không hề nao núng. Bà Phạm Thị Thảo, nữ dân quân Kim Đài xưa xúc động nhớ về những năm tháng chiến đấu đầy bom đạn, cái chết luôn cận kề nhưng lúc nào cũng hồn nhiên vô tư, không hề nao núng trước sự khốc liệt của bom đạn kẻ thù, đặc biệt là trong mỗi người lúc nào cũng sáng lên niềm tin chiến thắng..
Những chiến công làm nên lịch sử
Ngày 6/9/1965, máy bay Mỹ xuất hiện trên vùng trời Kim Sơn. Khi bay qua Kim Đài, chúng hạ thấp độ cao, các chiến sỹ dân quân bình tĩnh quan sát, đón lõng, chủ động chờ cho máy bay vào đúng cự ly thuận lợi. Các khẩu đội đồng loạt nổ súng, chiếc máy bay ở đầu đội hình trúng đạn bốc cháy, những chiếc còn lại hoảng hốt nâng độ cao quay đầu tháo chạy về phía cửa Đáy. Trận đánh bắn rơi máy bay A4D của Mỹ bằng 27 viên đạn súng trường K44 của dân quân Kim Đài đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, củng cố niềm tin vào khả năng thực tế có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng súng bộ binh trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là chiến thắng đầu tiên mang tính chất mở màn, cũng là động lực để trung đội tiếp tục chiến đấu với những chiến công vang dội.
Ngày 16/8/1966, trung đội phát hiện có máy bay địch từ biển bay vào địa bàn, lùng sục tìm mục tiêu đánh phá. Do trận địa Kim Đài được bố trí khéo léo và ngụy trang kỹ nên địch không phát hiện ra. Khi chiếc máy bay bắt đầu đánh trực tiếp vào Kim Đài cũng là lúc lá cờ hiệu trong tay Trung đội trưởng Trần Mạnh Thùy phất mạnh, cùng khẩu lệnh đanh gọn, dứt khoát: "Bắn!". Cả Trung đội đồng loạt nhả đạn, khắp trận địa rền vang tiếng súng, đất cát bay mù mịt. 31 viên đạn đại liên và súng trường phóng thẳng lên không trung, chụp lấy "con ma", một chiếc F4H bốc khói, chao đảo rồi lao xuống khu vực phía Đông trận địa Kim Đài. Ông Phạm Ngọc Chương nhớ lại: Lúc đó, không kịp lau mồ hôi, đất cát lấm lem mặt mũi, mọi người ôm chầm lấy nhau vui mừng khôn xiết...
Ngày 3/5/1967, vào lúc 8 giờ 47' sáng, cũng tại chính trận địa phía Đông Kim Đài, trung đội lại tiếp tục bắn rơi một chiếc F4H của Mỹ bằng 29 viên đạn 12ly7 và 11 khẩu súng trườngK44. Như vậy trong 3 năm, vào những năm ác liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Trung đội dân quân Kim Đài đã bắn rơi 3 máy bay, khẳng định khả năng tiếp cận nhanh chóng khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí trang bị; thể hiện quyết tâm biết đánh, biết thắng và ý chí kiên cường, quả cảm của anh chị em dân quân. Với những chiến công đã đạt được, đơn vị đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng vào năm 1969.
Năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá lần 2, lúc này, địch đã biết vị trí của đơn vị nên thay đổi chiến thuật khi bay qua Kim Đài không bay thấp nữa mà bay cao, bay tránh. Trung đội ngay lập tức chuyển sang phương án tìm địch để đánh, nhưng sau một số trận không hiệu quả, trung đội trưởng Trần Mạnh Thùy quyết định chủ động dời trận địa ra ngoài mép biển. Trung đội đã đi trinh sát tại Cồn Đen và nắm bắt được đường đi của máy bay địch là chúng thường xuyên bay qua khu vực này, đồng thời đây cũng là địa điểm chúng hạ độ cao, trút bom thừa trước khi về hạ cánh xuống tàu sân bay. Việc di chuyển trận địa gặp nhiều khó khăn nhưng đều nhận được sự đồng thuận, quyết tâm của cả trung đội. Tại Cồn Đen, trung đội dùng cây sú vẹt vừa để ngụy trang vừa để rải xuống bãi phù sa để làm nền đặt súng, tránh lún, rung; Khi nước lên thì đưa súng lên thuyền, khi nước xuống thì đưa súng vào trận địa. 3 khẩu 12ly7 đều được vận chuyển ra trận địa cùng với lương thực, nước uống để sinh hoạt ngay trên Cồn Đen. Gần 1 tháng di chuyển trận địa mật phục, có ngày những chiến sỹ dân quân Kim Đài dầm mình trong nước biển lạnh, bùn lầy của Cồn Đen ngập quá bụng người nhưng tất cả đều không hề nản chí. 9 giờ 45' ngày 4/7/1972, thời cơ đã đến, bằng 31 viên đạn 12ly7, trung đội đã bắn rơi 1 máy bay F4 tại trận địa Cồn Đen ngoài cửa biển. Máy bay bốc cháy, rơi ở phía Đông Cửa Nẹ, Thanh Hóa.
Chỉ sau đó 1 tháng, vào lúc 17 giờ ngày 8/8/1972, trung đội đã đánh đón máy bay địch khi chúng vừa đánh phá cầu Trì Chính (Thị trấn Phát Diệm). Những chiến sỹ của trung đội dân quân phòng không đã tận dụng lúc máy bay địch vừa "ngóc đầu" lên để ngắm bắn, "kết liễu" số phận chiếc máy bay A3J của Mỹ bằng 49 viên đạn 12ly7. Ông Phạm Ngọc Chương, Trung đội phó trung đội dân quân Kim Đài cho biết: Phi công Mỹ được huấn luyện kỹ thuật bay rất kỹ, rất bài bản nên có khả năng điều khiển máy bay bay rất thấp, gây khó khăn cho ta. Nhiều khi chúng xuống thấp đến mức anh em không dám bắn vì sợ đạn bay lạc vào nhà dân. Chính vì thế chúng tôi chọn lúc máy bay vừa ngóc lên sau khi chúi xuống thả bom đánh phá thị trấn Phát Diệm để ra đòn quyết định. Ông Chương tâm sự: Những chiến công của trung đội dân quân Kim Đài là chiến thắng của tình đoàn kết, tinh thần dũng cảm, trí thông minh và nỗ lực vượt qua khó khăn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Trung đội, sự quan tâm động viên của cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện và sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân đặc biệt là họ đều có một gia đình, "hậu phương" vững chắc luôn sát cánh bên họ trong mọi hoàn cảnh...
Để bản hùng ca mãi ngân vang
Sau những chiến thắng vang dội, bắn rơi 5 máy bay Mỹ làm nức lòng quân và dân miền Bắc, gần 10 thành viên ưu tú của trung đội dân quân Kim Đài đã được bổ sung vào lực lượng quân đội. Đồng thời, trung đội cũng phối hợp với một số đơn vị LLVT trên địa bàn thực hiện một số trận đánh khác. Sau này, có khoảng hai chục người con, cháu của những chiến sỹ dân quân Kim Đài đã nối tiếp truyền thống, tham gia lực lượng vũ trang. Đặc biệt có gia đình 3 bố con đều đã tham gia trung đội dân quân Kim Đài như gia đình trung đội trưởng Trần Mạnh Thùy; có gia đình 2 bố con tham gia trung đội như gia đình trung đội phó Vũ Văn Tài. Mặc dù cuộc sống vất vả, thiếu thốn, khó khăn, cái chết luôn cận kề nhưng trong trung đội dân quân Kim Đài ngày ấy nhiều tình yêu đẹp đã nảy nở và đơm hoa kết trái. 9 cặp đôi đã nên vợ nên chồng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt mà cho đến bây giờ khi ôn lại kỷ niệm xưa, những người chiến sỹ dân quân Kim Đài vẫn nhắc đến như một niềm tự hào. Đó là các cặp vợ chồng ông Phúc-bà Thảo, ông Trơn-bà Liên, ông Sử-bà Ca, ông Hiện-bà Thung, ông Dĩ-bà Tuyết, ông Gấm-bà Mùi, ông Đước-bà Thắm, ông Tú-bà The, ông Ngữ-bà Dưỡng.
Những chiến công mà trung đội dân quân Kim Đài làm nên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Trung đội được phong tặng đơn vị anh hùng năm 1969; được tặng 1 Huân chương Quân công hạng 3, 2 Huân chương chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương chiến công hạng nhì, 1 Huân chương chiến công hạng ba. Đơn vị 24 năm liền là đơn vị quyết thắng, được tặng lá cờ Nguyễn Văn Trỗi. Tổng kết cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thành viên trong trung đội đã được tặng 42 huân chương các loại. Ông Trần Mạnh Thùy, Trung đội trưởng được tặng Huân chương chiến công hạng ba, bà Trần Thị Thắm được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quân... Những Huân chương, bằng khen của trung đội mặc dù đã mờ theo năm tháng nhưng vẫn được treo trang trọng tại nhà văn hóa thôn Kim Đài (xã Kim Chính) để nhắc nhở thế hệ sau về một thời đấu tranh hào hùng, anh dũng của thế hệ cha anh đi trước.
Về thôn Kim Đài, xã Kim Chính hôm nay, chúng tôi được gặp lại nhiều nhân chứng lịch sử của trung đội dân quân Kim Đài những năm chống Mỹ. Ông Phạm Ngọc Chương, người còn sống duy nhất trong Ban Chỉ huy trung đội Kim Đài năm xưa đã ngoài 70 tuổi, bị bệnh thấp khớp nên đi lại hết sức khó khăn, nhưng trí nhớ của ông thì vẫn khá minh mẫn. Ông mang cho chúng tôi xem cuốn sổ được ông dùng ghi lại tên tuổi, quê quán của các dân quân tham gia trực chiến thời đó cũng như những chiến công, những dấu mốc đáng nhớ của đơn vị qua các thời kỳ. Tuy đã úa màu, nhưng nét chữ vẫn còn rõ nét. Cầm cuốn sổ trên tay, giọng ông run run: "Hơn nửa anh chị em trong số này đã đi xa; số còn lại nhiều người cuộc sống còn khó khăn…". Những chiến sĩ dân quân anh dũng năm xưa còn lại, mỗi người một hoàn cảnh tất cả các anh, các chị nay đã thành ông, thành bà, tuổi ngoài 70, già yếu, đi lại khó khăn, sống phụ thuộc vào con cháu vì chỉ được hưởng theo chế độ 290 một lần… Tuy vậy, tất cả đều sống gương mẫu với con cháu và bà con xóm giềng; đều chung một ước nguyện là mong sao họ có điều kiện để tổ chức họp mặt mỗi năm một lần để ôn lại truyền thống, ôn lại những tháng ngày đã sống và chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Họ cũng thiết tha mong muốn tiếp tục được góp tâm, góp trí vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê. Ông Dương Đình Phúc, một chiến sỹ dân quân Kim Đài xưa trăn trở: Tất cả anh em trong trung đội dân quân Kim Đài đều mong muốn trong các sự kiện lớn của huyện, của tỉnh, trung đội có được người đại diện tham dự để nói lên những tâm huyết, những nghĩ suy, những ý tưởng góp sức vào kiến thiết, xây dựng quê hương, viết tiếp truyền thống của đơn vị trong thời bình...
Chia tay các chiến sỹ dân quân Kim Đài, chúng tôi nghĩ, năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công của trung đội dân quân Kim Đài năm xưa vẫn mãi sáng ngời trong trang sử chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của quân, dân Ninh Bình và của cả dân tộc. Và để bản hùng ca mãi ngân vang thì việc tu bổ, tôn tạo, xây dựng trận địa phòng không Kim Đài trở thành một điểm di tích lịch sử là việc làm cần thiết để khơi dậy lòng yêu nước trong thế hệ trẻ, để những người dân trong và ngoài tỉnh biết đến một trung đội dân quân anh hùng trên mảnh đất này, để những con người đã từng làm nên lịch sử không bao giờ bị quên lãng...
Đỗ Bằng