Khoảng 10h sáng ngày 10-5, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển tỉnh ta, các chiến sĩ của tàu kiểm ngư KN-4005 NB đã thực hiện kiểm tra tàu đánh bắt thủy sản số hiệu TH-90873-TS. Bằng biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện, xử lý và thu giữ 1 kích điện, 1 đường dây điện dài hơn 100m, 1 lưới gắn điện, 1 dây đồng kẹp chì điện.
Đồng chí Đỗ Văn Chuẩn, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) - người trực tiếp tham gia phát hiện vụ việc cho biết: Khi thấy lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, các thành viên tàu đánh bắt thủy sản cố tình giấu các thiết bị xung kích điện trong tủ đựng đồ và dưới chăn gối ngủ.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã phát hiện, thu giữ số tang vật trên và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Qua đó thu giữ toàn bộ tang vật và phạt vi phạm hành chính 13,5 triệu đồng.
Khai thác thủy sản bằng xung kích điện là cách khai thác "tận diệt", gây tác hại lâu dài, đẩy các vùng nước thành "vùng nước chết". Hệ quả của việc đánh bắt đó phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Vì vậy, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản.
Theo đó, phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện và từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.
Còn theo Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hành vi sử dụng dòng điện để đánh bắt thủy sản mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Hiện nay, tình trạng người dân sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản vẫn còn diễn ra, phổ biến là do việc chế tạo ra bộ xung điện này không quá phức tạp. Bên cạnh đó, chỉ cần bỏ ra khoảng 1 - 2 triệu đồng là có thể dễ dàng mua ngay được một bộ kích điện nhỏ gọn.
Tình trạng đánh bắt thủy sản bằng kích điện ngày càng gia tăng nên môi trường sinh thái ở các sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng… đang bị đe dọa nghiêm trọng. Số lượng cá, tôm, sinh vật có ích ngày càng sụt giảm dẫn đến môi trường nước ngày càng bị suy kiệt.
Điều đáng lên án đó chính là việc những người dân mặc dù biết rõ sự nguy hại trên nhưng vẫn tiếp tục sử dụng xung kích điện để phục vụ việc khai thác thủy sản.
Anh Nguyễn Văn Hải (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), chủ tàu TH-90873-TS kể trên cũng thừa nhận, tại địa phương, các cấp, các ngành đã tuyên truyền về việc cấm sử dụng dụng xung kích điện để khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, những cuộc vận động, tuyên truyền đó có thể chưa đủ mạnh để thay đổi được nhận thức của người dân, dẫn tới thực trạng việc sử dụng xung kích điện trong khai thác thủy sản vẫn còn khá nhiều.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT), tính từ đầu năm 2017, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 trường hợp sử dụng xung kích điện trong khai thác thủy sản. Qua đó đã thu giữ 5 kích điện, phạt tiền 21 triệu đồng.
Ông Trần Đức Sáng, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Việc tuyên truyền về lệnh cấm sử dụng xung kích điện trong khai thác thủy sản đã có từ lâu, đến nay đã gần 20 năm. Tuy nhiên, hiện trạng vẫn còn rất phức tạp. Nhiều người dân đánh bắt thủy sản biết về lệnh cấm, song vẫn cố tình vi phạm, vì lợi nhuận mà không quan tâm đến hệ quả về sau.
Để duy trì và ổn định sự bền vững của môi trường thủy sinh, Chi cục tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng xung kích điện trong khai thác thủy sản. Bên cạnh việc thu giữ tang vật, phạt hành chính lực lượng chức năng còn trực tiếp tuyên truyền cho người vi phạm để tránh tái phạm lỗi trên. Đối với những tàu thuyền đánh bắt thủy sản tái phạm sẽ tiến hành phạt nặng để răn đe.
Cũng theo ông Trần Đức Sáng, cấp ủy, chính quyền cấp xã cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý việc sử dụng xung kích điện trong đánh bắt thủy sản tại ao, hồ, sông ngòi và đồng ruộng.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường biện pháp răn đe, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, các cấp, ngành và các địa phương phải tiếp tục tuyên truyền, vận động, giáo dục công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên đến các tầng lớp nhân dân.
Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, chữa trị "căn bệnh" trầm kha về việc sử dụng những phương pháp khai thác "tận diệt", ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước tự nhiên. Có như vậy, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh mới được bảo tồn và khai thác hiệu quả.
Bài ảnh: Thái Học