Tín dụng đen "lan" vào cả cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, người lao động; không ít người bị buộc thôi việc hoặc tự bỏ việc để chạy trốn. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT trên địa bàn; đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt thực hiện các biện pháp đấu tranh, xử lý, giảm thiểu tình trạng trên.
Theo số liệu thống kê đầu năm 2017, Công an tỉnh đã đưa vào diện quản lý, đấu tranh với 384 cơ sở, đối tượng hoạt động "tín dụng đen", kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh. Đáng nói là trong đó có 6 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng không có giấy phép kinh doanh; 3 cơ sở nghi có hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi và có hành vi bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê; 89 đối tượng không kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng hoạt động cho vay lãi nặng như chơi hội, chơi ống, móc nối với chủ lô đề, cờ bạc để cho đối tượng vay với lãi suất cao, có đối tượng cho vay với lãi suất đến 10.000đồng/1 triệu/1 ngày, nếu người vay không trả nợ đúng hạn thì những đối tượng này có thể thuê người đòi nợ hoặc tụ tập băng nhóm đe dọa, đánh đập con nợ và gia đình để đòi nợ, siết nợ; 5 cơ sở có biểu hiện cầm cố tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; 3 đối tượng có biểu hiện móc nối với đối tượng tỉnh ngoài cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê; ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 18 công ty "hỗ trợ tài chính", trong đó có 13 công ty có chủ cơ sở là người trong tỉnh, 5 công ty có chủ cơ sở là người ở tỉnh ngoài.
Hệ lụy của "tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cho vay lãi nặng, tiêu thụ tài sản phạm pháp là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà còn là điều kiện phát sinh, gia tăng của hàng loạt các loại tội phạm khác, là nguồn phát sinh, hình thành các băng ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trong thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc đâm thuê, chém mướn, giết người mà nguyên nhân liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Trước thực tế trên, thực hiện Chỉ thị số 10/CT - UBND ngày 4/11/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động "tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ, nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn, đặc biệt để quản lý tốt hình thức kinh doanh có điều kiện về ANTT, lực lượng Công an tỉnh đã lập kế hoạch cụ thể, tập trung tấn công mạnh vào các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cầm đồ, số đối tượng không kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng hoạt động cho vay lãi, "chơi hụi", "đổ ống"; số đối tượng móc nối với các chủ lô đề, cờ bạc để cho đối tượng vay với lãi suất cao.
Trong đó, các đơn vị trong Công an tỉnh đã chủ động điều tra, khảo sát, trên cơ sở đó đánh giá toàn diện thực trạng, tình hình hoạt động "tín dụng đen", kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, từ đó tiến hành phân loại cụ thể các đối tượng, cơ sở để tập trung quản lý và đề ra các đối sách đấu tranh với từng nhóm đối tượng.
Đối với các cơ sở, đối tượng có biểu hiện vi phạm hoạt động "tín dụng đen", các đơn vị đã tiến hành làm việc trực tiếp, yêu cầu các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng không có giấy phép kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; gọi hỏi răn đe, yêu cầu cam kết không hoạt động "tín dụng đen" và cho vay nặng lãi.
Đồng thời phân công trinh sát quản lý chặt chẽ, tăng cường nắm tình hình hoạt động của các đối tượng để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ trong 1 năm qua, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra 480 lượt cơ sở, phát hiện xử lý vi phạm hành chính 64 trường hợp, tạm giữ 106 xe mô tô, 4 ô tô (trong đó 2 mô tô và 4 ô tô là tang vật của vụ án), phạt tiền 105 triệu đồng.
Vi phạm chủ yếu của các cơ sở cầm đồ là: chưa được cấp đầy đủ thủ tục hành chính nhưng vẫn hoạt động kinh doanh; cầm cố tài sản thuộc sở hữu người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố…
Có thể kể đến một số vụ việc vi phạm liên quan đến vi phạm hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn mà lực lượng công an vừa xử lý, như vừa qua Công an thành phố Ninh Bình đã bắt giữ 5 đối tượng trú tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và Vĩnh Phúc có hành vi chuẩn bị luyn pha mắm tôm để đem đến đổ vào nhà "con nợ" tại thành phố Ninh Bình để đòi nợ.
Công an huyện Hoa Lư kiểm tra phát hiện Phạm Chí Phương (phố Mỹ Lộ, thị trấn Thiên Tôn) cầm cố tài sản không có giấy phép kinh doanh, tạm giữ 1 xe ô tô không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, 2 xe mô tô không chính chủ; qua điều tra, xác minh số phương tiện trên, xác định chiếc xe ô tô trên là vật chứng vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại phố Tây Sơn, quận Đống Đa (thành phố Hà Nội)...
Song song với công tác đấu tranh, xử lý, các đơn vị thuộc Công an tỉnh còn phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng "tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật; yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có giấy phép kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ...
Do thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nên đến nay các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động "tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã được kiềm chế, đã có 6/6 đối tượng cầm đồ chui và 74 cơ sở có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu vi phạm đã dừng hoạt động.
Có thể thấy, số đối tượng, cơ sở hoạt động tín dụng đen, kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh tuy có giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu trong công tác đấu tranh, phòng ngừa là phải kịp thời ngăn chặn không để hậu quả xảy ra.
Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động "tín dụng đen" và siết chặt quản lý dịch vụ cầm đồ, theo đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh: Thời gian tới, các lực lượng công an tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng để cùng tổng tấn công, đấu tranh, xử lý khi các đối tượng, cơ sở có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi ngay từ khi còn manh nha.
Chú trọng phối hợp kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Về lâu dài, các cấp, các ngành chức năng cần mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tín dụng đen...
Kiều Ân