Những thách thức đặt ra, đó là: Mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển của các địa phương; tổ chức và năng lực quản lý môi trường lưu vực sông còn nhiều bất cập…, trong khi đó khối lượng nước thải, chất thải vào môi trường nước mặt đang ngày càng gia tăng gay gắt.
Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực sông một cách thật khoa học, khách quan theo quan điểm hệ thống, coi lưu vực sông như một đối tượng đặc biệt để từ đó tìm kiếm các cơ chế, các giải pháp thích hợp quản lý môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các lưu vực sông.
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy, ông Chu Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cho biết: Để bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản về công tác môi trường và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; lập báo cáo thực trạng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường và báo cáo thực trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường cho lưu vực sông Nhuệ-Đáy trên địa bàn.
Theo đó, nguồn thải chính có thể gây ô nhiễm cho lưu vực sông là: Các khu công nghiệp với tổng lượng nước thải khoảng 10.150 m3/ngày đêm; các địa phương khoảng 2.350 m3/ngày đêm; nguồn thải từ các cụm cảng, bến ven sông (22 cảng đang hoạt động, 31 cảng đang xây dựng và chưa xây dựng); nguồn thải từ các làng nghề (có 78 làng nghề đã được công nhận); nước thải sinh hoạt các khu dân cư; nước thải y tế và rác thải nông thôn…
Để kiểm soát chặt các nguồn thải vào lưu vực sông, ngành môi trường đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông dưới nhiều hình thức phong phú như: mít tinh, hội nghị, hội họp, tập huấn, tuyên truyền trên báo, đài phát thanh - truyền hình, pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp.
Hàng năm, Sở đã phối hợp với các ngành, cơ quan: Tổng cục môi trường, công an… tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát môi trường định kỳ với trung bình từ 40-50 đơn vị. Trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm xử lý môi trường và bảo vệ môi trường. Một số dự án, công trình đã hoàn thành và đi vào sử dụng là: Hệ thống xử lý nước thải y tế cho Bệnh viện Tâm thần; hệ thống xử lý nước thải cho Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư; Nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó (thị xã Tam Điệp) công suất 200 tấn/ngày đêm; hỗ trợ nhà máy xử lý nước thải Thành Nam (Khu công nghiệp Khánh Phú).
Các dự án đang triển khai: Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Gián Khẩu; hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Lao và Phổi; hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún bánh Yên Ninh (Yên Khánh); trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt TP Ninh Bình; hệ thống thoát nước mặt và chống úng ngập phía tây thị xã Tam Điệp; hệ thống chống úng ngập TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư; các dự án nâng cấp đê hữu Đáy, đê tả hữu Hoàng Long; nạo vét sông Đáy, Hoàng Long; dự án bãi xử lý rác hợp vệ sinh Nho Quan, Kim Sơn và dự án xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ bãi rác thung Quèn Khó.
Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy cũng chính là công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đây là công việc còn nhiều khó khăn phức tạp, đòi hỏi có sự chung sức, chung lòng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và trước hết cần có nhận thức, ý thức của mỗi người dân và từng doanh nghiệp.
Đinh Chúc