Tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, hiện đang thực hiện cách ly, giám sát và theo dõi cho hai trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Bác sĩ Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Các trường hợp có yếu tố dịch tễ, nghi nhiễm được cách ly, theo dõi tại Khoa Truyền nhiễm, đảm bảo cách ly hoàn toàn với khoa khám, chữa bệnh của Trung tâm. Đội ngũ y, bác sĩ được phân công nhiệm vụ cũng được cách ly đặc biệt theo quy định, đảm bảo không lây nhiễm chéo trong đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm. Trước đó, ca bệnh tái dương tính với virus SARS-CoV-2 tại thị trấn Me sau thời gian cách ly tập trung về địa phương lấy mẫu xét nghiệm phát hiện tái dương tính, Trung tâm đã thực hiện nghiêm quy trình cách ly, điều trị, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần, tiếp xúc với ca bệnh.
Hiện nay, trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, Trung tâm y tế huyện Gia Viễn tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình khám, chữa bệnh. Theo đó, duy trì chốt kiểm soát ngay tại cổng vào để điều tra dịch tễ, yêu cầu nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, người đến thăm hỏi... đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc gần, không tập trung đông người trong phòng bệnh, buồng bệnh. Hơn nữa, trong điều kiện các phòng bệnh rộng rãi, thực hiện giãn cách các giường bệnh xa nhau 1,5-2m... Những biện pháp trên nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ liên quan đến nguồn lây nhiễm, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, như đưa vào khu khám bệnh riêng cho các trường hợp nghi ngờ, hạn chế thấp nhất bệnh dịch xâm nhập vào nơi khám, chữa bệnh.
Đối với Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, hiện nay đang thực hiện cách ly, theo dõi ba trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Có kinh nghiệm trong điều trị các ca bệnh dương tính thành công từ đợt dịch bệnh trước, lại thường xuyên có các trường hợp phải cách ly, theo dõi tại cơ sở y tế như các trường hợp nhập khẩu về địa phương qua đường tiểu ngạch, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh..., Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan luôn duy trì nghiêm các yêu cầu, quy định của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế. Bác sỹ Phạm Thái Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan cho biết: Hiện Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện có hàng chục giường bệnh và được trang cấp đầy đủ phương tiện, dụng cụ, đồ dùng, trang thiết bị, cơ số thuốc... sẵn sàng cho công tác sàng lọc, cách ly và điều trị bệnh nhân, trường hợp nghi nhiễm dịch COVID-19. Cùng với đó, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện được tập huấn, có kinh nghiệm, trình độ và luôn thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch, quyết tâm không để lây bệnh cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Đồng thời, Bệnh viện cũng đã rà soát, thống kê lại nguồn vật tư y tế, phương tiện, thuốc, dụng cụ dự phòng, đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngành Y tế tỉnh cho biết: Dịch bệnh COVID-19 đã quay trở lại Việt Nam sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đặc biệt, từ ngày 25/7 đến nay, các bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng đã phát hiện nhiều ca bệnh COVID-19 mới, trong đó có nhân viên y tế đã nhiễm bệnh. Trước diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm của dịch COVID-19, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, ngành Y tế yêu cầu tất cả cán bộ, viên chức, người lao động đã trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đến nay phải đến ngay cơ sở y tế khai báo và áp dụng các biện pháp tự theo dõi sức khỏe tại nới cư trú trong vòng 14 ngày; những người tiếp xúc với người đi về từ Đà Nẵng trong thời gian trên thực hiện hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường, giữ khoảng cách an toàn…
Đối với những trường hợp đã từng đến các địa điểm có nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện C) trong thời gian trên được coi như các trường hợp F1 và phải thực hiện cách ly tập trung tại cơ sở. Không tổ chức hoặc cho phép người lao động trong đơn vị đến thành phố Đà Nẵng nếu không có việc thực sự cần thiết cho đến khi có hướng dẫn mới. Thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, như sát khuẩn, đeo khẩu trang khi tập trung đông người... Cùng với đó, duy trì các đội cơ động phản ứng nhanh, bổ sung thuốc, hóa chất, trang bị phòng hộ…, sẵn sàng tổ chức khoanh vùng, dập dịch hoặc hỗ trợ tuyến dưới trong việc cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Đặc biệt, thực hiện nghiêm quy trình cách ly, chăm sóc, điều trị đối với 10 ca bệnh xác định tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên (huyện Hoa Lư). Tuyệt đối không được chủ quan và phải luôn chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với mọi tình huống dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành và giữa ngành Y tế với các ngành khác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không để dịch bệnh COVID-19 quay trở lại.
Tính đến ngày 2/8, tỉnh Ninh Bình đã rà soát, quản lý, giám sát 2.421 trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan tới Đà Nẵng. Trong đó, đã lấy mẫu 1.341 trường hợp xét nghiệm COVID-19, có 422 trường hợp kết quả âm tính, còn trên 900 trường hợp lấy mẫu đang chờ kết quả. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Y tế, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục rà soát, điều tra dịch tễ, theo dõi, cách ly tại nhà tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng trong thời gian từ ngày 1/7. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng từ Đà Nẵng về từ ngày 18/7 đến nay, tiếp đó sẽ lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp đi, về Đà Nẵng từ ngày 1/7. Đồng thời, các trường hợp có biểu hiện, triệu chứng mắc bệnh hoặc có tiền sử đi đến các khu vực có nguy cơ cao theo các thông báo của Bộ Y tế cũng sẽ được theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh