Tại Ninh Bình hiện chưa phát hiện vụ vi phạm nào. Ttuy nhiên, việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm đòi hỏi cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát, nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới nhằm siết chặt hơn chất lượng VSATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ đầu mối như chợ Rồng, chợ Kim Đồng… việc buôn bán, vận chuyển thực phẩm tươi sống, thức ăn sẵn ở đây diễn ra hết sức tự do. Thịt lợn, thịt bò được bày bán la liệt cả trên những chiếc bàn cáu bẩn. Gà được nhốt trong lồng và khi khách có nhu cầu thì làm luôn tại chỗ mà không hề có dấu hiệu cho thấy đã qua kiểm dịch, nhưng cả người mua và người bán ít ai quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Dân (phường Tân Thành, Thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi chỉ nhìn bằng mắt thường thấy hàng thịt nào ngon thì vào mua chứ không quan tâm đến hàng ở đâu đem đến, có kiểm dịch hay chưa".
Để kiểm soát nguồn hàng thực phẩm tươi sống, thành phố Ninh Bình đã thành lập cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại Núi Vàng (xã Ninh Tiến). Tuy nhiên, trong tổng số nguồn hàng có mặt trên thị trường thì nguồn hàng từ cơ sở giết mổ này đưa ra chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ, lý do là vì phải vận chuyển xa, lệ phí lại không nhỏ nên không thu hút được nhiều hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống đăng ký giết mổ tại đây.
Bên cạnh đó, chính thói quen "xuê xoa, dễ dãi" khi mua hàng của người dân đã tạo điều kiện cho người bán hàng không cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thống kê của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Ninh Bình rất đáng quan tâm là trong 10 tháng năm 2009, toàn tỉnh đã có 503 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 vụ ngộ độc tập thể ở Yên Mô với 90 người mắc do ăn phải bánh dày của cơ sở sản xuất ở Khánh Thượng (Yên Mô). Qua kiểm tra thì cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa xét nghiệm người lành mang trùng, chưa khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất.
Khảo sát tại cơ sở sản xuất nem chua ở (phường Vân Giang), một cơ sở sản xuất khá lớn, phân phối cho hầu hết các hộ kinh doanh nem chua nhỏ lẻ trong thành phố, thịt lợn sống được bầy la liệt trên phản, người thái thịt, người gói nem không ai đi găng tay, phần bì lợn đã có mùi và ngả màu mà mắt thường ai cũng nhìn thấy. Chỉ tính riêng ở chợ Rồng đã có khoảng 40 hộ kinh doanh thực phẩm chín, 60-70 hộ kinh doanh hàng thịt, 30-40 hộ kinh doanh cá, tôm, gà… Bà Ngô Thị Tuyết, Trưởng Ban quản lý chợ Rồng cho biết: "Những hàng hóa này được tập trung ở nhiều nơi, như Nam Định, Thanh Hóa, các huyện, thị xã về đây nên rất khó kiểm soát được xuất xứ cũng như quá trình vận chuyển, kiểm định về mặt chất lượng. Hơn nữa, Ban quản lý chợ chỉ có chức năng sắp xếp vị trí kinh doanh, đảm bảo về an ninh trật tự… chứ việc kiểm tra thực phẩm phải kết hợp với các cơ quan chức năng khác, như Thú y, quản lý thị trường, Y tế…".
Theo quan điểm của bà Tuyết, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nắm bắt được rõ xuất xứ nguồn hàng thực phẩm tại chợ đầu mối lớn như chợ Rồng, cơ quan chức năng nên thành lập một trạm kiểm soát tại đây, nếu chỉ kiểm tra theo định kỳ thì chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa".
Đại diện của Chi cục Quản lý thị trường cũng cho biết: Việc kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tươi sống thực sự rất khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, như hầu hết các hộ giết mổ gia súc, gia cầm đều tự phát, nhỏ lẻ không tập trung. Tâm lý, thói quen của người tiêu dùng là chỉ mua hàng dựa trên cảm tính, nên dù có mua phải thực phẩm kém chất lượng cũng không ai báo lại vơi cơ quan chức năng để biết và xử lý.
Về vấn đề này, qua trao đổi với lãnh đạo Chi cục VSATTP tỉnh, chúng tôi được biết thêm: Sở Y tế đã có quy định về phân cấp quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay việc tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo phân cấp quản lý vẫn chưa được hoàn thiện. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP ở các tuyến xã, phường vừa thiếu, vừa yếu, trang thiết bị phục vụ cho công tác này còn hạn chế, vì vậy việc kiểm tra, xét nghiệm gặp khó khăn. Hơn nữa đối với cán bộ làm công tác VSATTP, khi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấy có dấu hiệu vi phạm, nhưng không có đủ thẩm quyền để xử phạt. Chính vì thế, công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm về VSATTP còn bị vướng mắc nhiều ở khâu thủ tục, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan để kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động buôn bán, vận chuyển thực phẩm.
Linh Nhi