Vườn Quốc gia Cúc Phương - Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên có giá trị đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam; Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư - vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An một địa danh nổi tiếng của du khách khi đến Ninh Bình; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - vùng đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc bộ có tính đa dạng sinh học điển hình, nơi có quần thể Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam đã, đang, sẽ là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Để giữ gìn và phát huy các giá trị to lớn đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh sớm được thực hiện theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, gắn công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với khai thác cảnh quan du lịch; chú trọng xây dựng, phát triển hệ thống rừng đặc dụng; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng rừng trồng; xã hội hóa công tác bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.
Kiểm lâm Ninh Bình đã phải trải qua chặng đường 45 năm liên tục phấn đấu xây dựng và không ngừng phát triển với 3 giai đoạn đó là: Chi cục Kiểm lâm nhân dân Ninh Bình (1973 - 1976), Kiểm lâm nhân dân Hà Nam Ninh (1976 - 1992) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình (từ 1992 đến nay).
Sau khi Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 21/5/1973 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) được thực hiện, tháng 4 năm 1974, Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Ninh Bình được thành lập với 25 công chức, viên chức, trong đó có 1 người trình độ Đại học, 4 người trình độ trung cấp, số còn lại được điều động từ công nhân lâm nghiệp hoặc từ một số ngành khác sang.
Năm 1976, hợp nhất hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình, Kiểm lâm hai tỉnh sáp nhập. Tuy có rất nhiều khó khăn về tổ chức, nhân sự, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam Ninh, tổ chức Kiểm lâm đã từng bước được kiện toàn.
Trong thời gian 16 năm hợp nhất tỉnh, Chi cục Kiểm lâm nhân dân Hà Nam Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao. Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình được tổ chức lại theo Quyết định 275 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Chi cục kiểm lâm Ninh Bình vừa kiện toàn, vừa xây dựng, đến nay đã có 5 phòng chuyên môn, 6 đơn vị trực thuộc với 69 công chức, viên chức và lao động, trong đó: Trình độ đại học và trên đại học 55 người (chiếm 79,7%), trình độ trung cấp và tương đương 8 người (chiếm 11,6%), trình độ sơ cấp 6 người (chiếm 8,7%) luôn là đơn vị vững mạnh toàn diện của ngành Nông nghiệp và là đơn vị điển hình tiên tiến của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.
Với phương châm lấy dân làm gốc, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động của lực lượng Kiểm lâm Ninh Bình. Với nhiều hình thức và nội dung phong phú, công tác tuyên truyền đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân địa phương trong tỉnh.
Chỉ tính từ năm 1992 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức thực hiện hàng nghìn buổi phát thanh, hàng trăm phóng sự truyền hình, xây dựng được 1 bộ phim, 15.000 pa nô, áp phích, tờ rơi, xuất bản hàng nghìn cuốn tài liệu và 260 biển báo bảo vệ rừng. Tổ chức gần 50 cuộc thi tìm hiểu pháp luật lâm nghiệp, 260 lớp tập huấn về các nội dung bảo vệ rừng, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò tác dụng to lớn của rừng đã từng bước được nâng cao, trách nhiệm bảo vệ rừng của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân đã có chuyển biến rõ rệt, số vụ vi phạm tại địa phương đã giảm tới 95% so với thời kỳ trước tái lập tỉnh.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, đi đôi với hoàn thiện bộ máy hoạt động của đơn vị, Chi cục Kiểm lâm đã chú trọng xây dựng lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng. Từ năm 2000 đến nay đã thành lập được 20 ban lâm nghiệp xã, hợp đồng với 38 nhân viên bảo vệ rừng; trên 90% các thôn, bản có rừng đã xây dựng được Quy ước bảo vệ rừng, hàng trăm tổ đội quần chúng bảo vệ rừng được thành lập.
Với sự cộng tác tích cực của lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương
Chi cục đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp chính quyền cơ sở và các chủ rừng triển khai thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ; rà soát khoanh vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện xây dựng hệ thống đường băng cản lửa phòng cháy rừng tại các khu rừng dễ cháy; cấp phát trên 1.000 dụng cụ chữa cháy rừng các loại và nhiều dụng cụ, phương tiện khác phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chi cục cũng làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, tổ chức thường trực 24/24 giờ đối với những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên. Do vậy, số vụ cháy rừng xảy ra ngày càng giảm, nhiều năm qua không có vụ cháy lớn xảy ra.
Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại gốc, Chi cục đã bố trí điều động 27 công chức, viên chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, trực tiếp cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về lâm nghiệp, tổ chức tuần tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi xâm hại rừng.
Trong 10 năm, từ 2008 trở lại đây, Kiểm lâm địa bàn đã phát hiện và xử lý gần 400 vụ vi phạm, xóa bỏ nhiều tụ điểm phá rừng tại các xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương (huyện Nho Quan); khu Quèn Thờ (thành phố Tam Điệp); khu hồ Đồng Thái (huyện Yên Mô)… Khu giáp ranh huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) và huyện Gia Viễn... Đến nay, rừng trên địa bàn tỉnh không còn điểm nóng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.
Đi đôi với công tác bảo vệ rừng tại gốc, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh trên 3.800 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý lâm sản, động vật hoang dã quý hiếm, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự trên 65 vụ, tịch thu trên 7.500 m3 gỗ các loại, trên 100 tấn động vật hoang dã và nhiều loại lâm đặc sản khác, nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng.
Đồng bộ với các nhiệm vụ công tác trên, Chi cục Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác thỏa thuận hợp tác quốc tế với một số tổ chức phi chính phủ về các lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học như tổ chức VCF, GEF, FZS…trong đó có sự hợp tác bền vững từ 2001 đến nay với Hội Động vật học Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (FSZ) về bảo vệ loài Voọc mông trắng loài thú quý hiếm đặc hữu của Việt Nam. Thông qua sự hợp tác với FSZ số lượng cá thể Voọc mông trắng đã sinh trưởng và phát triển tốt, năm 2010 được Trung tâm kỷ lục sách Việt Nam công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là "Nơi có số lượng cá thể Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam"
Chi cục đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn công tác sản xuất lâm nghiệp, tính từ khi tái lập tỉnh đến nay 15 mô hình bảo vệ rừng bền vững, 5 đề tài dự án khoa học đã được xây dựng và triển khai.
Một số mô hình, dự án đã phát huy tốt thành quả của nó như mô hình bảo vệ rừng bền vững tại khu du lịch sinh thái Thung Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; mô hình trồng tràm nước ngọt trên vùng đất lầy thụt tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, dự án ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm chuyên dụng phục vụ cho công tác thống kê, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng, cập nhật theo diễn biến tài nguyên rừng đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành và địa phương.
Ngoài những kết quả trên, Kiểm lâm Ninh Bình còn luôn là đơn vị tiên phong trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng. Tham mưu xây dựng Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình; tham mưu xây dựng Đề án thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê môi trường rừng, trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh; phối hợp giao đất, giao rừng cho gần 2.000 hộ và 20 tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn; chủ động tham mưu đề xuất xây dựng hai khu rừng đặc dụng đó là Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và đang phát huy tích cực vai trò tác dụng của nó về bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan danh thắng, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển...
Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tập thể công chức, viên chức Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), hạng Nhì (năm 2003), hạng Nhất (năm 2013) nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh và của các cấp bộ, ngành.
Nhìn lại cả một chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành, một trong những bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình tổ chức thực hiện đó là: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, viên chức và người lao động phải là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, thông qua giáo dục chính trị tư tưởng cán bộ công chức, viên chức của đơn vị mới có được nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật Nhà nước, bản lĩnh chính trị rõ ràng, không dao động trước khó khăn, thử thách, tập thể luôn đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Trước tình hình yêu cầu mới, nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn rất nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị trong các năm qua, tập thể công chức, viên chức và người lao động Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Nguyễn Văn Dương Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình