Dự án xây dựng Quốc lộ 12B gồm hai đoạn tuyến cần đầu tư với tổng chiều dài khoảng 35km. Đoạn Tam Điệp - Nho Quan có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1A, Tam Điệp, điếm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình. Trên địa bàn huyện Nho Quan, dự án ảnh hưởng đến khoảng 2.600 hộ dân. Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng huyện đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.
Đến nay, công tác kiểm đếm đã hoàn thành. Hiện đã chi trả hơn 16 tỷ đồng và đã bàn giao được 10km cho đơn vị thi công. Trên địa bàn thành phố Tam Điệp, dự án ảnh hưởng đến khoảng 500 hộ dân và một số công trình công cộng nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Trong tổng số 7km thi công tại địa bàn của thành phố Tam Điệp, có 4km đường nhựa đã được thực hiện trước đó, nay đã xuống cấp. Đến nay, Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng thành phố Tam Điệp cũng đã thực hiện xong công tác kiểm đếm. Hai địa phương đều cam kết khi được cấp kinh phí thực hiện sẽ nhanh chóng tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao đủ mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những nỗ lực, chủ động trong công tác GPMB của thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan. Trên cơ sở nguồn kinh phí cho dự án cũng như nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện công tác GPMB, đồng chí giao cho Ban Quản lý dự án phối hợp với nhà thầu thi công và địa phương xem xét, cân đối nguồn kinh phí, ưu tiên kinh phí cho các địa phương thực hiện GPMB trước.
Đồng chí yêu cầu các địa phương phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 3. Đối với các công trình công cộng nằm trong hành lang an toàn giao thông, đồng chí yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của Nhà nước, thông báo cho chủ đầu tư về việc di rời, đồng thời bố trí địa điểm di rời thích hợp.
Giao cho Sở Giao thông-Vận tải xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông-Vận tải về kiến nghị rải thêm lớp nhựa cho đoạn tuyến 4km tại địa bàn thành phố Tam Điệp. Đồng thời yêu cầu đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân lực để thực hiện dự án ngay khi được bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ.
Về việc GPMB tại khu công nghiệp Phúc Sơn thuộc địa bàn thành phố Ninh Bình, UBND thành phố đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh thống nhất phân bổ kinh phí bồi thường GPMB đối với 9 dự án. Hiện đã bàn giao mặt bằng sạch cho 3 đơn vị thực hiện dự án đầu tư. Đối với 6 nhà đầu tư, hiện còn tồn tại 20 hộ có đất nông nghiệp chưa thực hiện xong công tác GPMB; 24 hộ phải di rời tái định cư.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố xem xét, nghiên cứu phương án di rời 24 hộ trên vào khu tái định cư của dự án đường kết nối giữa cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A. Đối với 20 hộ có đất nông nghiệp không đồng ý với phương án GPMB, đồng chí yêu cầu UBND thành phố tiếp tục công tác vận động, tuyên truyền; các bước tiến hành thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Về việc GPMB tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, hội nghị đã xem xét 2 vụ việc: Về dự án Lux Fashion của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, sau nhiều lần điều chỉnh tên Công ty, tên dự án và người đại diện theo pháp luật, từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2012Công ty đã đi vào hoạt động, cơ bản hoàn thành phần xây dựng và hoàn thiện lắp đặt máy móc. Số lượng công nhân làm việc tại nhà máy có thời điểm khoảng 920 người, tháng 4 và tháng 5-2012 đã xuất khẩu khoảng 30 nghìn sản phẩm.
Tuy nhiên, kể từ tháng 8-2012, doanh nghiệp đã dừng hoạt động không có báo cáo với Ban Quản lý các KCN. Chủ đầu tư là người nước ngoài đã bỏ trốn, toàn bộ nhà xưởng và các vật chứng liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền kê biên để xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Bản án của Tòa án cấp cao tại Hà Nội, Ban quản lý các KCN tỉnh đề xuất việc cấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời thu hồi lại mặt bằng.
Về vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Ban quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét các hồ sơ, vấn đề pháp lý liên quan vấn đề thu hồi dự án, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-3; giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét về việc sử dụng đất, các thủ tục thu hồi đất để bàn giao mặt bằng, thu hút đầu tư các dự án mới.
Về Công ty TNHH Foton (KCN Gián Khẩu), năm 2005, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty TNHH Foton thực hiện dự án Nhà máy sản xuất tấm lợp Conposit Foton Vina tại KCN Gián Khẩu. Đến năm 2011, Công ty TNHH Foton xin điều chỉnh dự án Nhà máy sản xuất tấm lợp Conposit Foton Vina sang thực hiện dự án Nhà máy sản xuất đất hiếm, công suất 1.500 tấn clorua, đất hiếm Recl/năm.
Tính đến tháng 4-2016, Dự án của Công ty đã hoạt động được gần 5 năm nhưng triển khai không đúng tiến độ, việc sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, tháng 4-2016, Ban quản lý các KCN đã ban hành quyết định chấm dứt dự án.
Hiện Công ty không đồng ý, có khiếu nại về quyết định trên. Về sự việc này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các KCN xem xét, giải quyết các khiếu nại của công ty theo đúng thời gian, nội dung, trình tự.
Thái Học