Từ cuối tháng 7, Việt Nam đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Với việc vẫn đang duy trì các giải pháp ứng phó dịch bệnh trong giai đoạn trước, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động siết chặt lại các biện pháp ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người lao động và cộng đồng; đồng thời chủ động và có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát dịch bệnh.
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Mặc dù được đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng những ngày qua các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp trong tỉnh đã nâng cao hơn nữa cấp độ cũng như ý thức phòng chống dịch. Ông Phùng Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Quạt điện Việt Nam cho biết: do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay Công ty bị tổn thất khá nặng nề. Sức mua của thị trường giảm khá mạnh, theo ước tính khoảng 60% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, doanh nghiệp buộc phải giảm bớt lao động ở một số khâu, đồng thời thực hiện làm luân phiên để giữ chân người lao động ở một số vị trí cố định.
Trước thực trạng lượng khách hiện nay không đông như thời điểm cùng kỳ năm trước nhưng để chủ động trong công tác phòng dịch doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng dịch. Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang và sát khuẩn theo đúng quy định. Đồng thời, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn và khẩu trang để khách hàng sử dụng khi cần thiết.
Trong thời gian này Công ty cũng đang có kế hoạch cơ cấu lại các hoạt động để phù hợp với tình hình hiện tại cũng như hoạch định kế hoạch phát triển sản phẩm chủ lực trong thời gian tới, đón đầu cơ hội mở rộng thị trường ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên diện rộng.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang nằm trong Cụm công nghiệp Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may duy nhất tại Ninh Bình. Công ty bắt đầu đi vào sản xuất năm 2016 với sản phẩm sợi cọc, đến nay công suất của 2 nhà máy đạt 11.300 tấn/năm. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, các nhà máy dệt của Trung Quốc đóng cửa hàng loạt, trong khi đây là thị trường tiêu thụ chính của Lam Giang.
Ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên thế giới có diễn biến phức tạp, xong Công ty vẫn nỗ lực để duy trì một nhà máy nhằm giữ chân người lao động và ổn định công ty chờ cơ hội phục hồi. Đồng thời, Công ty vẫn duy trì chế độ ăn ca cho người lao động để đảm bảo sức khỏe. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch tại xưởng sản xuất, nhà ăn và toàn bộ khuôn viên doanh nghiệp. Đo thân nhiệt đối với công nhân và khách khi ra vào Công ty.
Tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp đã chủ động siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát cho biết: Công ty nằm trong Khu Công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình với hơn 600 công nhân. Mặc dù dịch bệnh quay trở lại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Ninh Bình chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh cho công nhân trong công ty và cộng đồng ngay từ khi ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng, Công ty đã bắt đầu kích hoạt lại các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nhà xưởng. Công nhân đến Công ty phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Công đoàn cơ sở của Công ty cũng tiến hành tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, phổ biến lại các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Được biết, hiện nay các khu, cụm công nghiệp đã triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong doanh nghiệp. Tăng cường triển khai các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh. Yêu cầu các doanh nghiệp thông báo ngay với cơ quan y tế những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, có yếu tố dịch tễ nguy cơ mắc bệnh để được cách ly, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp.
Khuyến cáo người lao động không nên đến các khu vực đang có dịch. Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, theo dõi toàn bộ các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm virus Sars-CoV-2 gây ra. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm