Trồng lúa, trồng ngô, nuôi lợn, nuôi gà là những việc làm thường nhật của nhà nông nhưng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với việc đưa các cây, con giống mới vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Qua một vụ trồng thử giống lúa mới TBR45 cùng với được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa của các cán bộ khuyến nông Trạm Khuyến nông thị xã Tam Điệp, ông Phạm Văn Điều, HTX Mùa Thu xã Đông Sơn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Trồng lúa thì nông dân ai cũng thành thục lắm rồi, song việc tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR45 cùng mấy chục hộ gia đình trong thôn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, làm mạ, mật độ cấy, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất cao hơn hẳn so với tự làm. Đơn giản như việc bón phân cũng cần có kỹ thuật. Trước kia, chúng tôi thường bón thúc đạm đơn, ít bón phân kali hoặc không bón nên lúa dễ bị gãy đổ, nay được hướng dẫn bón phân kali sớm nên cây cứng cáp, qua mấy trận mưa to lúa vẫn không bị đổ ngã. Việc khảo nghiệm đưa các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương vào canh tác đã giúp người nông dân ngày càng tin tưởng và nhân rộng các mô hình. Nếu như năm 2011, giống TBR 45 mới được đưa vào gieo cấy 2 ha thì đến năm 2012 diện tích tăng lên 40 ha, giống QR1 vụ xuân 2012 là 10 ha đến vụ mùa 2012 tăng lên 50 ha. Cùng với việc đưa các giống mới vào sản xuất, năm 2011 Trạm còn phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã triển khai mô hình gieo xạ. Ban đầu chỉ có HTX Quang Hiển và phường Tân Bình tham gia với diện tích 8 ha nhưng đến năm 2012 đã nhân rộng ra 3 HTX khác của xã Yên Bình với diện tích hàng chục ha, góp phần từng bước thay thế phương pháp sản xuất thủ công, lạc hậu. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, cùng với việc gia tăng về số lượng đàn, Trạm Khuyến nông thị xã đã hướng các mô hình Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, chăn nuôi an toàn sinh học, tự chế biến thức ăn tinh cho chăn nuôi, mở ra hướng chăn nuôi hàng hóa theo quy mô trang trại, phương thức chăn nuôi công nghiệp. Chăn nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng trăm nông dân, đưa chăn nuôi trở thành ngành mũi nhọn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thị xã. Các giống con nuôi mới như dê Bo, dê Bách Thảo, gà Lương Phượng, gà ri lai, cá rô đầu vuông, cá chép lai ba máu... đã và đang được Trạm triển khai, nhân ra diện rộng. Tới phường Tây Sơn để tìm hiểu về mô hình nuôi gà ri lai được Trạm Khuyến nông thị xã triển khai mới đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Kỳ, một trong những hộ nông dân được thụ hưởng lợi ích từ dự án. Anh Kỳ cho biết: Do có diện tích rộng nên tôi muốn phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Đang loay hoay không biết chọn giống gà gì nuôi phù hợp thì được cán bộ khuyến nông xã giới thiệu chuyển giao cho giống gà ri lai. Bước đầu nuôi cho thấy đây là giống gà dễ nuôi, phát triển nhanh và chất lượng thịt thơm ngon. Do áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ cách úm gà, sử dụng thức ăn, nước uống, thuốc bổ và cách tiêm phòng nên đàn gà sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ con sống đạt trên 90%. Anh dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô nuôi lên khoảng 500 con.
Ông Tạ Xuân Anh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Tam Điệp cho biết: Bằng việc trình diễn các mô hình khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn nghề nhằm gắn lý thuyết với thực hành theo phương châm "cầm tay chỉ việc", "đào tạo nghề thành thạo trong sản xuất nông nghiệp" đã thuyết phục, hướng dẫn người nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT mới. Tuy nhiên hiện nay, toàn bộ các mô hình mà Trạm Khuyến nông triển khai đều do Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư, chỉ đạo, do vậy còn phần nào hạn chế, thiếu sát thực với điều kiện của riêng địa bàn. Thời gian tới Trạm đề nghị thị xã cần bố trí nguồn kinh phí nhất định để Trạm xây dựng các mô hình phù hợp hơn với điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của nông dân thị xã.
Bài, ảnh: Hà Phương