Tại chương trình giao lưu Tài năng tiếng Anh tiểu học cấp tỉnh năm học 2020-2021 vừa được tổ chức, thu hút khá đông học sinh lớp 5 tham gia. Theo đó, có 64 học sinh, đến từ 8 phòng giáo dục các huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là những học sinh giỏi tiếng Anh, được Phòng Giáo dục huyện, thành phố chọn cử, mỗi đơn vị 8 học sinh lớp 5, đến từ ít nhất 3 trường Tiểu học khác nhau trên tinh thần tự nguyện, thông qua hình thức giao lưu cấp trường, cấp huyện hoặc khảo sát của Phòng Giáo dục &Đào tạo.
Tham gia chương trình, các em có 1 ngày hoạt động sôi nổi, hào hứng, với 3 phần thi: Làm bài trên máy tính; thi và nói theo chủ đề bốc thăm và phần tham gia giao lưu dưới các hình thức đố vui, trò chơi, thơ ca bằng tiếng Anh. Nội dung được triển khai bằng cách thực hành sử dụng tiếng Anh ở cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết); kiến thức ngôn ngữ đến hết học kỳ I lớp 5 theo chương trình 10 năm, tích hợp hiểu biết về văn hóa và con người trên nền kiến thức phổ thông.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 39 giải, trong đó có 2 giải nhất, 7 giải nhì, 14 giải ba và 16 giải khuyến khích cho các học sinh tham gia chương trình.
Em Hà Phạm Khánh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn) là một trong số 2 học sinh đạt giải nhất cho rằng, em cũng như các bạn thấy thú vị và hào hứng khi được tham gia các cuộc thi, chương trình giao lưu. Bởi ở đó, các em được thể hiện bản thân, được học tập, trao đổi, giao lưu với các bạn và thầy, cô giáo giỏi tiếng Anh. Hơn nữa, đối với môn tiếng Anh nói riêng, rất cần thường xuyên được trau dồi thêm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, từ đó tiếp tục bổ sung vốn từ vựng, nắm bắt cấu trúc ngữ pháp, để học tập tốt hơn.
Những năm học lớp 3, lớp 4, Hà Phạm Khánh đều đạt giải thưởng cao ở bộ môn tiếng Anh, như giải nhất cuộc thi Tài năng tiếng Anh cấp huyện, Huy chương bạc kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2019-2020.
Theo cô giáo Đinh Thị Lâm Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bình Minh, muốn phong trào dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường phát triển và đạt hiệu quả cao, cần sự quan tâm, đầu tư của cả nhà trường và phụ huynh học sinh. Đối với trường Tiểu học thị trấn Bình Minh, những năm học gần đây, nhà trường rất quan tâm đến việc dạy và học tiếng Anh tại trường. Theo đó, nhà trường yêu cầu 2 cô giáo dạy tiếng Anh thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng của ngành Giáo dục. Khuyến khích và kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của phụ huynh học sinh. Kêu gọi nguồn xã hội hóa để đầu tư cho các phòng học tiếng Anh....
Hiện nay, trường tiểu học thị trấn Bình Minh tổ chức dạy học 2 tiết/tuần đối với học sinh lớp 1,2 và 4 tiết/tuần cho học sinh khối lớp 3,4,5. Tính riêng trong 5 năm học gần đây, năm nào nhà trường cũng có hàng chục giải thưởng HSG môn tiếng Anh trong các kỳ thi, hội thi từ cấp huyện, cấp tỉnh đến Quốc gia, liên tục là đơn vị dẫn đầu huyện Kim Sơn trong các phong trào thi đua nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng...
Theo Nhà giáo Phạm Thị Tuất, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục &Đào tạo, việc dạy và học Tiếng Anh có vai trò quan trọng, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các môn học, ngành giáo dục Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho học sinh ở tất cả các cấp học, nhất là học sinh bậc Tiểu học.
Đến nay, việc thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" (gọi tắt là Đề án 2020), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9 năm 2008 đã được triển khai thực hiện hiệu quả. ở bậc tiểu học, có 100% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 được học 4 tiết/tuần. Có nhiều trường tiểu học cũng thực hiện dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1,2 với 2 tiết/tuần.
Đồng thời, việc triển khai dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài cũng được nhiều nhà trường chú trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng nghe - nói, phát âm chuẩn cho học sinh. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên tiếng Anh ổn định, từng bước được chuẩn hóa, tích cực, chủ động trong đổi mới dạy học, từ đó, chất lượng dạy học tiếng Anh tại các nhà trường ngày càng được nâng cao.
Các nhà trường cũng thường xuyên tổ chức nhiều sân chơi tiếng Anh cho học sinh tiểu học như: CLB tiếng Anh trong nhà trường; tổ chức thi hùng biện tiếng Anh; hội chợ, giao lưu bằng tiếng Anh, diễn đàn tiếng Anh…
Đồng thời, các Tổ chức giáo dục, Trung tâm tiếng Anh, ngành Giáo dục... cũng phối hợp tổ chức nhiều sân chơi tiếng Anh cho học sinh tiểu học, như Giao lưu tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh, cuộc thi Olympic tiếng Anh qua Internet (IOE)... Các cuộc thi trên đã phát huy khả năng giao tiếp, nghe, nói bằng tiếng Anh của học sinh, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện Đề án 2020 cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là vấn đề kinh phí đầu tư cho các phòng học tiếng Anh chuyên biệt. Cùng với đó là trình độ đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh không đồng đều giữa các vùng miền, các nhà trường. Việc học tiếng Anh tại nhiều vùng nông thôn, miền núi chưa được quan tâm...
Để thực hiện mục tiêu của Đề án dạy ngoại ngữ, đòi hỏi ngành Giáo dục và các nhà trường tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành, từng bước bố trí nguồn lực, đầu tư xây dựng thêm các phòng học tiếng Anh đạt chuẩn. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện cho tất cả học sinh trong các nhà trường đều được học tiếng Anh một cách tốt nhất.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh