Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Hàng năm, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nổi bật là ngành Văn hóa và Thể thao đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, cổ động, tổ chức các hoạt động triển lãm, biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước... góp phần khơi dậy niềm tin, niềm tự hào và sự đồng lòng nhất trí của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua lao động, học tập, sáng tạo xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đến nay toàn tỉnh có 336 câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng. Trong giai đoạn từ 1992 đến 2017, bình quân mỗi năm tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu văn nghệ giữa các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ; tổ chức trên 100 lượt biểu diễn nghệ thuật phục vụ với hàng vạn lượt người xem; thực hiện trên 500 buổi chiếu phim phục vụ trên 6 vạn lượt người xem; luân chuyển gần 300 nghìn lượt sách báo trong hệ thống thư viện cộng đồng... qua đó từng bước rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với thành thị. Cùng với đó, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ngày càng được quan tâm củng cố. Đoàn Chèo Ninh Bình mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động và nâng cấp thành Nhà hát Chèo Ninh Bình. 25 năm qua, đã dàn dựng và khôi phục trên 20 vở chèo, có 1 tác giả kịch bản được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 1 nghệ sĩ nhân dân, 9 nghệ sĩ ưu tú. Các vở diễn tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trong năm 1995, 2001, 2009 được tặng thưởng Huy chương Vàng. Mỗi năm Nhà hát thực hiện lưu diễn hàng trăm buổi phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh và trong nước.
Công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đạt kết quả tốt, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân. Toàn tỉnh hiện có 1.499 di tích, trong đó có 346 di tích đã xếp hạng, gồm 79 di tích cấp Quốc gia (trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới) và 267 di tích cấp tỉnh; có 24.230 hiện vật bảo tàng được lập hồ sơ lý lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở các địa phương. Đến nay ngành đã thống kê được 321 di sản văn hóa phi vật thể, đang được bảo tồn, phát huy, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch. Cũng trong giai đoạn này, trên 20 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 2 đề tài cấp tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do ngành Văn hóa và Thể thao thực hiện đã được nghiệm thu. Tỉnh ta có 2 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Đặc biệt, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh từ năm 1996, nhận được sự đồng thuận và tích cực tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đông đảo nhân dân. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 242.527/279.342 gia đình văn hóa; 1.428/1.674 làng, phố văn hóa; có 60/121 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 4/24 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 719/1.066 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư mở rộng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 1 trung tâm văn hóa tỉnh, 8 trung tâm văn hóa huyện, thành phố; 113/145 nhà văn hóa, khu thể thao phường, xã và 1.474/1.674 nhà văn hóa thôn, bản, phố. Việc huy động sức dân trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và trang thiết bị hoạt động chủ yếu thông qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã phát huy công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Hoạt động thể thao quần chúng gắn liền với phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào được các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia, phát triển rộng khắp, xuất hiện nhiều câu lạc bộ, hội, liên đoàn thể thao trong nhân dân và trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học… Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức trên 600 cuộc thi đấu thể thao các loại. Gần đây, nhiều môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển như môn đấu vật, kéo co, bơi lội, đua thuyền, chạy bộ..., nhiều môn thể thao hiện đại như cầu lông, bóng bàn, tennis, gold, thể dục thẩm mỹ... ngày càng thu hút người dân tham gia tập luyện. Hiện toàn tỉnh có gần 700 CLB thể thao; 100% các trường học tổ chức được các hoạt động giáo dục thể chất. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên tăng đều hàng năm: Năm 2004 là 19%, năm 2014 tăng lên 27% và đến nay đã có 28,8% người dân thường xuyên luyện tập thể thao.
Thể thao thành tích cao của tỉnh Ninh Bình tuy phát triển muộn nhưng có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, hội thi. Năm 2004, Trung tâm TDTT tỉnh được thành lập, chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận công trình Nhà thi đấu thể dục thể thao phục vụ SEA Games 22 đến nay, Trung tâm TDTT tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện mọi mặt để phục vụ luyện tập và thi đấu. Thể thao thành tích cao Ninh Bình tập trung ở các môn bóng chuyền, điền kinh, cờ vua, vật... Trong 10 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao Ninh Bình gặt hái được nhiều thành tích, đặc biệt là nhiều Huy chương Vàng, Bạc thế giới, châu á, Đông Nam á và SEA Games. Năm 2014, các VĐV Ninh Bình đã mang về cho tỉnh 110 huy chương các loại; năm 2016, đạt 159 huy chương, trong đó có 68 vàng, 41 bạc và 50 đồng, hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch từ 40-60%, đóng góp nhiều vận động viên xuất sắc cho các đội tuyển trẻ và đội tuyển Quốc gia. Trong đó đội tuyển bóng chuyền nam được xếp thứ hạng cao trong cả nước…
Có thể nói, qua hơn 1/4 thế kỷ, với sự miệt mài, tâm huyết, trách nhiệm của ngành Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, gìn giữ. Ghi nhận những thành tích ấy, ngành Văn hóa và Thể thao đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, nhiều tập thể, cá nhân được ghi nhận, khen thưởng, tạo động lực để ngành Văn hóa tiếp tục tập trung xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Ninh Bình ngày càng phát triển toàn diện và bền vững.
Mỹ Hạnh