Ninh Bình hiện có 878 giáo viên dạy nghề, trong đó có 774 giáo viên cơ hữu thuộc 39 cơ sở dạy nghề. Những năm qua, các trường dạy nghề đã chủ động lựa chọn và khuyến khích giáo viên đi học các lớp đại học, sau đại học. Nỗ lực này đã tạo bước đi quan trọng trong công tác phát triển và hoàn thiện đội ngũ giáo viên dạy nghề, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên các cơ sở dạy nghề, tạo điểm nhấn quan trọng về công tác đào tạo giáo viên cho những năm tiếp theo. Trong tổng số 878 giáo viên, 50 người có trình độ sau đại học, 532 người có trình độ đại học, còn lại là cao đẳng, nghệ nhân...
Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Phong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội): Nhìn chung, đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện nay còn thiếu về số lượng, chất lượng còn nhiều bất cập. Đa số giáo viên giảng dạy theo chương trình khung mới được ban hành nên còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Chẳng hạn như giáo viên giảng dạy theo phương pháp tích hợp, dạy theo môđun thì còn yếu, số giáo viên dạy được lý thuyết thì lại hạn chế trong dạy thực hành và ngược lại. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một bộ phận giáo viên dạy nghề chưa thực sự tích cực tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khi đó, chế độ, chính sách đối với giáo viên dạy nghề chưa thực sự hấp dẫn để thu hút nhân tài (Giáo viên dạy nghề hiện vẫn đang hưởng theo chính sách, chế độ chung của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân)...
Ông Nguyễn Đăng Sỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama - 1 cho biết: Trong khi các đơn vị, doanh nghiệp kỹ thuật đang sử dụng những cỗ máy, thiết bị hiện đại 100% linh kiện nước ngoài, thì giáo viên, học sinh vẫn phải dạy, học, thực hành theo chương trình cũ, máy móc lạc hậu của những năm 60-70 thế kỷ trước. Kiến thức về dây chuyền sản xuất với máy móc hiện đại không được cập nhật thường xuyên bởi khó khăn về kinh phí. Đây chính là nguyên nhân nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp muốn làm được việc thì các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất vẫn phải bổ túc thêm tay nghề.
Để khắc phục tồn tại trên, nhiều năm qua vào những dịp nghỉ hè, Ban giám hiệu nhà trường đã liên kết với một số doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty lắp máy LILAMA nhằm tạo điều kiện để các thầy, cô giáo cũng như các em học sinh được đến cơ sở sản xuất thực hành, qua đó tiếp cận với máy móc, quy trình sản xuất hiện đại. Ngoài ra, nhà trường còn mời các nghệ nhân, công nhân, kỹ sư có tay nghề cao đang trực tiếp lao động sản xuất ở các khu công nghiệp, các công trường lớn của quốc gia như: Dung Quất, Thủy điện Sông Đà, Đa Nhim... về hướng dẫn thực hành thêm để học sinh nâng cao kỹ năng lao động thực tiễn.
Năm 2006, Trường Cao đẳng nghề Lilama - 1 là một trong những đơn vị dạy nghề trên toàn quốc được Bộ Giáo dục - Đào tạo chọn làm thí điểm xây dựng bài giảng kỹ thuật mẫu cho một khung nghề. Đến nay, hầu hết các nghề trong trường đều được dạy theo môđun và theo phương pháp tích hợp. Đội ngũ giáo viên nhà trường từng bước được củng cố vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng cao, học sinh ra trường tìm được việc làm một cách thuận lợi, thậm chí có nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã tìm đến nhà trường "đặt hàng".
Tuy nhiên, trên thực tế không phải cơ sở đào tạo nghề nào cũng có thuận lợi như Trường Cao đẳng nghề Lilama -1 khi liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, bởi phần lớn các cơ sở này còn e ngại khi tiếp nhận giáo viên cũng như học sinh đến thực hành. Đây là một trong những khó khăn không nhỏ của các trường dạy nghề hiện nay. Khắc phục bất cập trên, nhiều Trường đã chủ động đề ra những tiêu chí phù hợp khi tuyển chọn đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt, năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 08 về "Đào tạo nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2010, định hướng đến năm 2015". Theo đó, đối với các giáo viên có tay nghề cao, có học hàm, học vị, các nghệ nhân "bàn tay vàng"... thì tỉnh đã có chính sách thu hút như đối với cán bộ giỏi. Có thể nói đây là một trong những cơ sở pháp lý tạo thuận lợi để các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thu hút học sinh đến học ngày càng đông, nhất là học sinh vùng nông thôn.
Song song với việc ban hành các chủ trương, chính sách phát triển đào tạo nghề thì từ năm 2003 đến nay, cứ 3 năm một lần tỉnh đã tổ chức Hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi. Sau 3 lần (2003, 2006, 2009) tổ chức đã có 47 giáo viên thuộc 4 trường dạy nghề trên địa bàn tham dự. Qua đó tuyển chọn được những giáo viên xuất sắc đi dự Hội giảng toàn quốc và đã đạt nhiều giải cao. Năm 2006, đội tuyển giáo viên dạy nghề giỏi tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành vị trí thứ 3 toàn quốc. Hội giảng cũng là một "kênh thông tin" giúp các nhà quản lý có cách nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng năng lực của đội ngũ giáo viên dạy nghề để có những biện pháp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cũng như trình độ sư phạm cho họ.
Thiết nghĩ, muốn xây dựng thương hiệu cho các trường dạy nghề thì một trong những việc làm quan trọng là cần phải chọn được đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết với nghề. Trình độ của giáo viên dạy nghề không chỉ ở kiến thức chuyên môn mà còn phải có kiến thức nhất định về tin học, ngoại ngữ... Mặt khác, Nhà nước cần có thêm những chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề để tạo điều kiện thuận lợi cho họ yên tâm cống hiến lâu dài, đồng thời thu hút được nhiều cán bộ, giáo viên giỏi đến với các cơ sở dạy nghề.
Đức Nghĩa