Cách đây 87 năm, từ ngày 14/10 đến ngày 31/10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng, án nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản thanh niên vận động, Quân đội vận động và Hội phản đế đồng minh. Đây là những tổ chức tiền thân, đặt nền móng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị sau này. Đặc biệt, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên báo Sự thật số 120 đề cập đến những vấn đền căn bản, trở thành kim chỉ nam trong đường lối lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền, của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về dân vận và công tác dân vận.
Xuất phát từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận", Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là "Ngày Dân vận của cả nước". Năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10, một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất là "Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng". Từ đó đến nay, ngày 15/10 hàng năm đã đi vào đời sống chính trị của Đảng và nhân dân ta, động viên, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị thực hiện tốt chủ trương của Đảng và lời dạy của Bác Hồ đối với công tác dân vận.
87 năm qua, gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng nhân dân sau khi Đảng ta được thành lập và lãnh đạo đã để lại nhiều bài học quý báu về phát động quần chúng đấu tranh cách mạng, về nghệ thuật vận động quần chúng khi Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, giác ngộ, tổ chức, tập hợp và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với cả nước, ở Ninh Bình, lịch sử công tác dân vận luôn gắn liền với lịch sử cách mạng của Đảng bộ tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với truyền thống yêu nước và ý chí tự lực, tự cường, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết đứng lên đấu tranh giành thắng lợi với nhiều phong trào cách mạng rộng lớn, góp sức cùng nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng luôn quan tâm, kịp thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, trong đó có quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận. Các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển cũng như nguyện vọng của nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy duy trì thường xuyên và đổi mới nội dung, hình thức giao ban công tác dân vận hàng quý, kết hợp tổ chức hội nghị với đi thực tế, tham quan, khảo sát mô hình hoạt động ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo thành lập điểm Tổ Dân vận thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh, quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.
Công tác dân vận của chính quyền các cấp được tăng cường và có nhiều chuyển biến. HĐND các cấp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, hoạt động tiếp xúc cử tri; lấy ý kiến của các cấp, các ngành và nhân dân trước khi ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng. Chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, thực hiện chính sách xã hội. UBND các cấp đã chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo, cải cách hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Thực hiện tốt quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ban hành và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa UBND với Ban Dân vận cùng cấp; phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.
Công tác dân vận của lực lượng vũ trang có sự đổi mới và đạt nhiều kết quả tốt. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của tỉnh luôn tích cực tham gia các hoạt động dân vận, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng-an ninh, phối hợp với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, đảm bảo chỉ tiêu giao quân hàng năm, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác tôn giáo, dân tộc tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ theo quy định của pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo. Đồng bào có đạo tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh trật tự". Nhiều sự kiện tôn giáo lớn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tổ chức trang trọng và thành công tốt đẹp.
Công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được đẩy mạnh. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở; chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, nội dung hoạt động; chăm lo đến lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, khu dân cư; đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, phát huy vai trò là trung tâm phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Hoạt động của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân vận cấp huyện, Khối Dân vận cơ sở và Tổ Dân vận thôn, xóm, phố đã bám sát chương trình công tác của cấp ủy; chủ động, sáng tạo, xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng năm; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện những việc mới, việc khó như: công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, vận động thành lập đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, thực hiện văn minh du lịch, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" với nhiều hình thức mới, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực, với hàng nghìn mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực; góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tiễn công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, có thể khẳng định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phương châm "Đảng nói dân tin, chính quyền làm dân theo, Mặt trận, đoàn thể vận động dân đồng tình, hưởng ứng", công tác dân vận của tỉnh luôn có sự đổi mới và đạt kết quả rõ nét, góp phần vào thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong những năm qua.
Kế thừa và phát huy truyền thống 87 năm công tác dân vận của Đảng, để không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới, trong thời gian tới, trước thời cơ và thử thách mới, hệ thống dân vận của tỉnh cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình nhân dân, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận; giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống và gắn bó mật thiết với nhân dân; xây dựng và thực hiện phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 - NQ/TU, ngày 05/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay", Quyết định số 1248 - QĐ/TU, ngày 15/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về việc "Lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân"; thực hiện nền nếp, hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trên các lĩnh vực; thống nhất thực hiện tốt quan điểm: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Hai là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 20 - KH/TU, ngày 12/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016 - 2020 gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực.
Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng với trọng tâm hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy; thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân theo nội dung Quyết định số 217 - QĐ/TW và Quyết định số 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức chính trị, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Chỉ đạo thành công đại hội của các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng nhiệm kỳ mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội, chất lượng đoàn viên, hội viên.
Bốn là, tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu quần chúng ưu tú là người có đạo, người dân tộc thiểu số đề nghị kết nạp vào Đảng. Xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức gặp mặt, biểu dương những người có uy tín trong công tác dân vận.
Năm là, quan tâm sắp xếp, bố trí và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, dân tộc, nhất là cán bộ làm công tác dân vận ở các cơ sở, cán bộ làm công tác dân vận ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân cho đội ngũ cán bộ của hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh.
Kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và 18 năm "Ngày Dân vận của cả nước" là dịp để chúng ta quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng những quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh tiếp tục đoàn kết, trách nhiệm, vượt khó vươn lên, năng động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nội dung, nhiệm vụ của công tác dân vận trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mai Văn Tuất
TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy