Không ngừng đổi mới để xứng đáng là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ
Chủ Nhật, 18/10/2020, 03:36
Zalo
Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam Ninh cũng được chia tách thành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Hà. Ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức làm việc theo đơn vị hành chính mới. 28 năm qua (1992-2020), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình cũng không ngừng trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động từ đó dẫn dắt, lan tỏa, khích lệ và hỗ trợ phụ nữ phát huy tiềm năng, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên; xứng đáng là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Không ngừng đổi mới để xứng đáng là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ
Từ khi tái lập tỉnh (1992) đến năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã trải qua 6 nhiệm kỳ Đại hội. Qua mỗi nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ngày càng trưởng thành hơn, có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, sự chỉ đạo của Trung ương Hội và nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ để xây dựng phương hướng, mục tiêu, đề ra các giải pháp có tính khả thi cao để thực hiện nhiệm vụ một cách sáng tạo, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngày 29/4/1992, chỉ sau gần một tháng khi tỉnh được tái lập, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ VII (tính theo nhiệm kỳ Đại hội nối tiếp của tỉnh Ninh Bình trước khi sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh) được tổ chức đã đề ra phương hướng nhiệm kỳ 1992-1996: "Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy mọi tiềm năng và năng lực sáng tạo, phấn đấu vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh", xây dựng người phụ nữ Ninh Bình "Yêu nước, tiến bộ, lao động tiết kiệm, biết làm giàu hợp pháp, xây dựng gia đình "Bình đẳng, hòa thuận", sinh đẻ có kế hoạch, nuôi, dạy con tốt. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh để phát huy vai trò đại diện, chăm lo cho phụ nữ trong công cuộc đổi mới".
Sau 5 năm triển khai thực hiện, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn của những ngày đầu tái lập tỉnh, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ VII đề ra, tạo chuyển biến mới, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động.
Tháng 11/1996, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII được tổ chức đề ra mục tiêu nhiệm kỳ 1996-2001: "Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, nhằm tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao kiến thức mọi mặt cho phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng. Xây dựng người phụ nữ Ninh Bình có kiến thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng, quan tâm đến lợi ích của xã hội và cộng đồng, có lòng nhân hậu. Xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ Hội ngày càng vững mạnh để phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của phụ nữ".
Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh các tầng lớp phụ nữ cùng nhân dân toàn tỉnh đang tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tháng 10/2001, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ IX được tổ chức đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2001-2006: "Nâng cao trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, rút ngắn khoảng cách giới, xây dựng người phụ nữ Ninh Bình yêu nước, có tri thức, có sức khỏe, có lối sống văn hóa, năng động, sáng tạo và nhân hậu."
"Cột điện nở hoa"- công trình làm đẹp phố phường của hội viên phụ nữ. Ảnh: Bùi Diệu
Tháng 11/2006, xuất phát từ thực tế phong trào phụ nữ, hoạt động của Hội, nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ X được tổ chức đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2006-2011: "Đoàn kết, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy tiềm năng,chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Xây dựng người phụ nữ Ninh Bình yêu nước, sáng tạo, trung hậu, đảm đang; xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh".
Tháng 10/2011, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ XI đã xác định phương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ 2011-2016: "Tăng cường đoàn kết và vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy nội lực chủ động tham gia phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống, xây dựng người phụ nữ Ninh Bình yêu nước, sáng tạo, trung hậu, đảm đang; Xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh".
Tháng 10/2016, trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII được tổ chức đã xác định mục tiêu chung của nhiệm kỳ 2016-2021: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ; xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng người phụ nữ Ninh Bình phát triển toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bình đẳng giới, xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững". Đồng thời, Đại hội đề ra 2 khâu đột phá: một là, vận động, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống; hai là, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, phụ nữ.
Những định hướng đúng đắn qua các kỳ đại hội, đã tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước lượng hóa trong đánh giá bằng các thang điểm, việc làm, tiêu chí cụ thể. Hàng năm, vận động hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương thông qua thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương Hội phát động. Trình độ, kiến thức, tay nghề của phụ nữ được nâng lên rõ rệt, hàng nghìn gia đình phụ nữ đã vươn lên vượt qua đói nghèo, nhiều gia đình phụ nữ đã trở thành gia đình làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hội viên phụ nữ tham gia vệ sinh môi trường. Ảnh: Phan Hiếu
Kế thừa các thành quả to lớn của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh luôn chú trọng tới chất lượng hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; chủ động tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội, chăm lo, lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, cần cù, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nỗ lực tham gia phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cấp Hội đã không ngừng nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách; đa dạng các hình thức tập hợp hội viên, phụ nữ, xứng đáng là điểm tựa cho hội viên.
Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ từ tỉnh tới cơ sở chủ động lựa chọn các trọng tâm ưu tiên của địa phương để tập trung triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động luôn hướng mạnh về cơ sở, kiên trì, đồng hành cùng hội viên phụ nữ; quan tâm hơn đến các đơn vị khó khăn, vùng dân tộc, vùng Công giáo, vùng bãi ngang. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, từng bước chuyên nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác vận động phụ nữ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo điểm, làm mẫu, xây dựng mô hình, điển hình, rút kinh nghiệm nhân diện. Ký kết các chương trình phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong triển khai nhiệm vụ, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án của Chính phủ.
Các hoạt động của Hội đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tiềm tàng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Trong thời gian tới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng phát triển lớn mạnh. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào việc giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Thị Tỉnh
TUV, ủy viên BCH Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình