Chúng ta đang sống trong một không gian đã từng là trung tâm xã hội Việt ở nửa cuối thế kỷ thứ X. Không gian ấy được định danh là Hoa Lư - cái tên mang dấu ấn của thời đại.
Năm Thuận Thiên thứ nhất, Canh Tuất (1010) Hoa Lư được Lý Thái Tổ đổi tên là phủ Tràng An, thể hiện một "mặc cảm tự tôn" của triều Lý muốn Cố đô Hoa Lư sánh vai với Cố đô Tràng An Hán Đường. Sánh vai chỉ với cái tên gọi thôi chứ không hoàn toàn sánh vai, mô phỏng cấu trúc thực của Cố đô Tràng An Hán Đường phương Bắc.
Không gian Hoa Lư được định tính là "động", là "thung lũng", cái gạch nối Địa-Chính trị; Địa-Quân sự; Địa-Kinh tế; Địa-ngoại giao và một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét, đánh giá: "Công lao lớn nhất của Đinh Bộ Lĩnh là thống nhất quốc gia" với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, quốc hiệu Đại Cồ Việt và niên hiệu Thái Bình, cùng với nền tài chính riêng. Ông củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, sự toàn vẹn thống nhất quốc gia giữa một thời kỳ thống nhất hình thức sang một thời kỳ thống nhất thực sự. Lịch sử nước ta trải qua khúc quanh co loạn 12 sứ quân. Từ Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay) phải qua Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) rồi mới về được Thăng Long (Hà Nội). Lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta hình như không có đường tắt và đường thẳng.
Đây không phải chỉ là một chuyện "bàn giao chính quyền" từ chính quyền đô hộ "An Nam" sang chính quyền của dân tộc ta "Đại Việt", cũng không phải chỉ đơn thuần là việc đổi tên Cổ Loa hay Tống Bình (Đại La Thành) sang Thăng Long (Hà Nội), mà thực sự là bước quá độ không thể thiếu được trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Từ thế kỷ thứ IX qua thế kỷ thứ X phải về Hoa Lư mới sang được thế kỷ thứ XI, để mở ra thời kỳ triển nở rực rỡ sự nghiệp dựng nước, giữ nước của quốc gia dân tộc Đại Việt tiếp theo đó.
Không gian Hoa Lư là không gian xã hội bản lề, không gian xã hội quá độ. Bản lề theo nghĩa thuần túy giữa Giao châu và Ái châu, giữa sông Hồng và sông Mã. Quá độ theo nghĩa kết hợp không gian - thời gian là liên tục: từ Cổ Loa về Hoa Lư ra Thăng Long - Hà Nội.
Không gian Hoa Lư đánh dấu chấm cuối cùng của thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, mở ra thời kỳ thống nhất độc lập tự chủ thực sự của quốc gia dân tộc Đại Việt. Đó là một cống hiến to lớn, có ý nghĩa thời đại mà không gian xã hội Hoa Lư đóng góp vào tiến trình chung của lịch sử dân tộc ta được ghi nhận như là một mốc son chói lọi nhất của ý thức độc lập, tự cường dân tộc, sự toàn vẹn thống nhất quốc gia.
Trên đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Cố đô Hoa Lư còn bức đại tự đề: "Chính Thống Thủy" nghĩa hiểu là mở nền chính thống, và câu đối:
"Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Tràng An"
Dịch nghĩa:
Nước Đại Cồ Việt ngang hàng với triều Khai Bảo nhà Tống
Kinh đô Hoa Lư như là kinh đô Tràng An nhà Hán.
Những câu đối, đại tự còn lưu giữ ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã nêu lên khá đầy đủ tinh thần và ý nghĩa sâu sắc ý thức độc lập tự chủ, tự cường của quốc gia dân tộc Việt chúng ta.
Theo Ninhbinhtourism