"Bán không được, giữ không xong"
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá nhưng chưa khi nào gia đình bà Vũ Thị Hương ở thôn Thắng Động, xã Khánh Thượng (Yên Mô) lại rơi vào tình cảnh cá "rớt giá" mà tiêu thụ vẫn cầm chừng như đợt này. Theo bà Hương chia sẻ: Nếu như trước đây với khoảng 3 ha ao nuôi các giống cá trắm, chép, mỗi năm gia đình bà thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí, nhưng hiện nay giá cá xuống thấp, mức thu giảm đáng kể, thậm chí có thời điểm phải bù lỗ.
Điều khiến bà Hương và hơn chục hộ nuôi cá của Tổ hợp tác thủy sản Khánh Thượng "đau đầu" hơn cả là trong khi giá cá xuống thấp kỷ lục thì giá các loại cám lại tăng cao, chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Cái khó là cá không bán được nhưng hàng ngày vẫn phải cho ăn một lượng cám lớn. Chậm bán bao nhiêu ngày thì số tiền lỗ cứ thế nhân lên vì không thể bỏ đói chúng." - bà Hương ngậm ngùi.
Trong tình cảnh này nhiều thương lái lại càng "ép giá". Cái vòng luẩn quẩn ấy đã và đang khiến nhiều hộ nuôi cá "bán không được mà giữ cũng không xong". Người nuôi cá lỗ vốn bởi tốn thêm nhiều chi phí để nuôi cầm chừng, không có vốn xoay vòng đầu tư tái sản xuất và phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh.
Không chỉ những hộ nuôi thủy sản như bà Hương gặp khó mà nhiều nông dân ở những loại hình chăn nuôi, trồng trọt khác cũng đang đứng ngồi không yên vì áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch. Việc tiêu thụ các loại rau, củ, quả và con nuôi khác của nông dân lâm vào cảnh "được mùa, mất giá" bởi dịch bệnh COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đã làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn và các khu du lịch, nghỉ dưỡng…
Đồng thời, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh tiêu thụ chậm do lượng khách du lịch giảm mạnh. "Cung vượt cầu" trên thị trường dẫn đến giá xuống thấp, vì vậy để không bị thua lỗ nhiều, một số nông dân đành phá đàn, tìm hướng làm ăn khác.
Trường hợp của anh Đinh Quốc Huy, ở thôn Dải Cờ, xã Yên Đồng (Yên Mô) là một điển hình. Cách đây vài ngày, anh Huy đã tìm được khách để bán cắt lỗ đàn thỏ của gia đình với giá chỉ 60.000 đồng/kg. Mức giá này so với thời điểm trước dịch đã giảm non nửa nhưng anh Huy vẫn tự an ủi: tìm được khách và bán được với giá đó cũng là may mắn vì có lúc giá thỏ còn giảm sâu hơn thế. Sau khi cố gắng cầm cự trong hơn 1 năm từ khi dịch COVID-19 xảy ra, đến nay anh Huy thực sự đã "kiệt sức".
Anh cho biết: Cách đây hơn 3 năm, gia đình tôi đầu tư khoảng 1 tỷ đồng san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống để nuôi hơn 2 nghìn con thỏ giống và thỏ thịt. Có sản phẩm xuất bán chưa được bao lâu thì dịch ập đến, chẳng kịp gỡ vốn vì trong khi giá cám tăng, việc tiêu thụ lại chậm và mất giá, càng cố duy trì càng lỗ nặng…
Giúp bà con vơi bớt nỗi lo
Câu chuyện mưu sinh của gia đình anh Huy có lẽ sẽ rơi vào bế tắc nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, đặc biệt là tổ chức Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở. Mới đây anh được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, trong đó tính riêng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân là 30 triệu đồng, ngoài ra anh còn được Hội Nông dân tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và gợi mở hướng làm ăn mới.
Hiện anh Huy đang tập trung nuôi 10 con bò thịt. Đây là loại con nuôi có giá trị nhưng việc chăm sóc đơn giản hơn, lại có thể tận dụng các loại thức ăn thô, phù hợp khi tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay. Anh Huy hy vọng "lối rẽ" tạm thời này sẽ từng bước ổn định lại kinh tế gia đình.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân tỉnh đang tìm mọi cách để có thể giúp đỡ được ngày càng nhiều hội viên hơn nữa, giúp họ tạo được sinh kế mới phù hợp như trường hợp của anh Huy.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh: Trong khả năng của mình, tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường phân công cán bộ nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất của bà con, giám sát, tư vấn, hỗ trợ nông dân để đảm bảo các yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Tùy theo từng thời điểm tổng hợp số lượng nông sản, đặc biệt là vật nuôi đến thời kỳ xuất bán để góp phần giúp các hộ tiêu thụ.
Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh bạn trực tiếp "giải cứu" và hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 76 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh, gồm các loại rau, dưa, củ quả, cà chua… Đặc biệt, để vừa hỗ trợ được nông dân tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh người dân mua phải hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Hội Nông dân tỉnh đã kết nối mạnh mẽ với chuỗi hơn 20 cửa hàng nông sản sạch (do tổ chức Hội hỗ trợ thành lập) tiêu thụ nông sản cho các mô hình, trang trại, gia trại của hội viên trong tỉnh.
Để giúp nông dân có vốn quay vòng sản xuất, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân gần 8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện 23 dự án thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ, cho 151 hộ vay. Đồng thời giải ngân Quỹ Quay vòng vốn thuộc Ban Quản lý dự án "Tăng cường khả năng phục hồi của các hộ nông dân trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19" với số tiền 1,2 tỷ đồng cho các hộ vay vốn tại HTX rau Khánh Thành (Yên Khánh), Tổ liên gia thủy sản Ninh Hải (Hoa Lư), Chi hội nghề nghiệp du lịch cộng đồng phát triển bền vững… Từ đó giúp nông dân liên kết, hợp tác xây dựng, thành lập mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá nông sản.
Trong những ngày dịch dã vừa qua, hội viên nông dân cũng đã nhận được sự chung tay giúp đỡ của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, cùng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, góp phần giảm bớt thiệt hại về kinh tế; Hội Nông dân tỉnh trực tiếp trao quà, động viên 60 nông dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19... Với tinh thần "tương thân tương ái", những hành động nhân ái, thiết thực này cũng là nguồn sức mạnh giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bài, ảnh: Đào Duy