Chị Nguyễn Thị Ngát, công nhân đang làm việc tại Công ty Sanico (Gia Viễn) chia sẻ: Vào thời điểm này mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng dường như chẳng thấm vào đâu, khi trừ các khoản chi phí như tiền phòng, tiền sinh hoạt, chưa kể cứ ra khỏi cửa là phải tiêu tiền thì một tháng cũng không tiết kiệm được là bao. Trong khi đó, Tết đã cận kề…
Chị Ngát nhớ lại: Mới năm ngoái thôi, những tháng cuối năm, chúng tôi chạy đua với thời gian để cải thiện thu nhập. Dù mệt mỏi, anh chị em công nhân vẫn nỗ lực làm việc đến tối muộn trên tinh thần tự nguyện. Nhưng năm nay, mọi chuyện đã khác rất nhiều. Việc tăng ca trước đây diễn ra thường xuyên thì nay lại trở nên hiếm hoi và là mong ước của rất nhiều người.
Đúng như những chia sẻ của chị Ngát, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Sanico cho biết: Dịch COVID-19 khiến các đơn hàng của Công ty trở nên ít ỏi, vì vậy chỉ riêng việc duy trì việc làm và mức thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng cho hơn 500 lao động cũng là nỗ lực rất lớn. Thời điểm này năm ngoái Công ty tổ chức tăng ca và công nhân có thêm khoảng trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng nhưng năm nay doanh nghiệp chỉ có thể bố trí việc làm 8 tiếng mỗi ngày.
Năm 2020, dịch COVID-19 đã khiến việc làm, thu nhập của nhiều công nhân trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, không ít người trong số họ mong dịp cuối năm sẽ được… tăng ca để có thêm thu nhập nhưng cũng giống như chị Ngát, nhiều công nhân còn đang "thấp thỏm" khi khối lượng công việc ít và không đều.
Tại các khu công nghiệp - nơi tập trung đông đảo lao động trên địa bàn, cán bộ Công đoàn ở đây cho biết: Hiện nay hoạt động tăng ca không còn sôi động như những năm trước, nhiều doanh nghiệp không tăng ca hoặc tăng ca ít hơn. Tuy nhiên, bức tranh lao động, việc làm những tháng cuối năm vẫn có điểm sáng khi một số doanh nghiệp lớn, nhất là trong lĩnh vực giầy da, may mặc, điện tử có những tín hiệu phục hồi sản xuất kinh doanh, các đơn hàng dần ổn định và đều đặn hơn thời điểm đầu năm nên tình hình việc làm của người lao động cũng khả quan hơn.
Chị Doãn Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MCNex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn) cho biết: Tại đây việc tăng ca diễn ra ít hơn so với năm ngoái và vẫn được bố trí dựa trên tình hình sức khỏe của công nhân, đồng thời phù hợp với Luật Lao động. Để công nhân có thêm sức khỏe và động lực làm việc, Công đoàn Công ty đã tham mưu với ban lãnh đạo thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, động viên người lao động. Từ đó, giúp công nhân yên tâm, tin tưởng và nỗ lực làm việc. Trung bình mỗi giờ tăng ca, công nhân sẽ được nhận thêm 150% lương khi tăng ca ngày thường và 200% lương khi tăng ca vào ngày nghỉ,...
Được biết, ở những doanh nghiệp có bố trí tăng ca, tổ chức Công đoàn đã và đang tích cực tham gia giám sát việc chấp hành Luật Lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân, nhất là về chế độ tiền lương, chế độ làm thêm giờ; tuyên truyền để chủ sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật có liên quan...
Đồng thời tham mưu cho chủ doanh nghiệp tổ chức tăng ca nhưng cần đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cho người lao động, để người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Đối với những doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, các cấp Công đoàn tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của người lao động, tham mưu với doanh nghiệp về thực hiện chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã và đang chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Tết sum vầy; thăm, tặng quà gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vé xe cho công nhân xa nhà về quê ăn Tết; huy động sự chung tay của các mạnh thường quân giúp gia đình công nhân xây, sửa nhà "Mái ấm công đoàn"... Những hoạt động này góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động sau một năm có nhiều biến động về việc làm và tiền lương.
Đào Duy