Hiện nay, trên địa bàn thành phố Tam Điệp có 41 mỏ được cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định, trong đó 29 mỏ giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, 12 mỏ giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực. Nhìn chung, các đơn vị tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và các quy định khác có liên quan; hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có đơn vị chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật như: Chậm đưa mỏ vào khai thác; khai thác chưa phù hợp với thiết kế mỏ đã được phê duyệt; nộp ngân sách nhà nước chưa đầy đủ; xe vận chuyển quá tải trọng quy định, phóng nhanh gây nguy cơ mất an toàn giao thông ảnh hưởng lớn đến an ninh - xã hội và cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.
Để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Tam Điệp, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương rà soát làm rõ các trường hợp doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường để xử lý nghiêm theo quy định.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan xem xét thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản, trên cơ sở Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh; khẳng định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Ninh Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Kiên quyết không cấp hoặc không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đối với những mỏ hoặc đơn vị khai thác có vi phạm trong hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác có liên quan.
Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan; phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh; Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép và việc chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, như: Chậm đưa mỏ vào khai thác; khai thác chưa phù hợp với thiết kế mỏ đã lập và phê duyệt, chưa cắt tầng, trên đỉnh và sườn tầng còn để lại đá treo, hàm ếch tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế khai thác: chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định; nộp ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ (đặc biệt đối với khoản thu về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); xe vận chuyển quá tải trọng quy định, phóng nhanh gây nguy cơ mất an toàn giao thông...
Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.
Trần Dũng