Tín dụng góp sức xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay xây dựng NTM", thời gian qua, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện cho nông dân vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, dòng tiền đã chảy mạnh hơn về khu vực nông thôn, tạo thêm kênh đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, kết quả cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới năm 2015 của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 11.993 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến thời điểm 31-12-2015 đạt 9.971 tỷ đồng, chiếm 22,69%/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã đạt 6.915 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 10.333 tỷ đồng, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm 2015, tăng 3,63% so với đầu năm, chiếm 21,59%/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Số lượt khách hàng vay vốn còn dư nợ trong 6 tháng đầu năm là 36.077 khách hàng; doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 5.749 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 10.922 tỷ đồng, tăng 62,72% so với cùng kỳ năm 2015, tăng 1,69% so với đầu năm, chiếm 20,56%/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Số khách hàng còn dư nợ: 108.431 khách hàng.
Không chỉ tạo điều kiện để dòng vốn "chảy mạnh" vào kênh nông nghiệp, nông thôn mà các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khu vực nông thôn. Trong quá trình cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, những khoản vay khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…) được các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng các chính sách hỗ trợ (giãn nợ, miễn, giảm lãi suất…), tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn.
Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tích cực vào cuộc các chương trình hỗ trợ vay vốn theo quy định của Nhà nước và ngân hàng cấp trên như cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng; triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt hải sản xa bờ
Vẫn còn nhiều rào cản
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Hiện nay nguồn vốn huy động tại địa bàn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong tỉnh hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 60-65%/tổng dư nợ cho vay và chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, chiếm khoảng 80% tổng nguồn vốn cho vay. Chính vì thế, nguồn vốn dùng để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động ở ngoài tỉnh và sự hỗ trợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên.
Bên cạnh đó, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức đoàn thể với ngân hàng trong việc xử lý nợ quá hạn trên địa bàn nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, do còn thiếu kiên quyết, còn nể nang vì là người cùng thôn xóm.
Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn là chính sách lớn, song dòng chảy của tín dụng vào lĩnh vực này đến nay vẫn chưa đủ mạnh như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thường xuyên biến động; trình độ, năng lực quản lý, kinh doanh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Do vậy, các ngân hàng đều cẩn trọng khi thẩm định cho vay vốn.
Thực tiễn hiện nay, chính sách nhà nước định hướng giúp cho nền kinh tế phát triển tốt, nhưng do có nhiều rào cản nên các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi cho vay đối với khách hàng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất thận trọng, không cho vay lớn. Còn đối với nông dân, dù cho vay tín chấp nhưng ngân hàng vẫn phải quản lý sổ đỏ, thẩm định kỹ về nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn, khả năng trả nợ, từ đó quyết định mức cho vay phù hợp để tránh việc một người vay ở nhiều ngân hàng khác nhau.
Một số khách hàng chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, do không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn như: Thiếu năng lực tài chính; thiếu tài sản bảo đảm theo quy định, chưa có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả… Đây là những lực cản khiến dòng vốn chưa thể thông vào nông nghiệp, nông thôn.
Cần thêm nhiều chính sách khơi thông
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, để tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh, Nhà nước nên có chính sách khai thông ngành cốt lõi, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất. Điển hình như nông sản phải định được khâu chủ lực xuất khẩu để đẩy mạnh phát triển, từ đó kéo các ngành khác đi kèm, nếu bao tiêu được đầu ra sẽ đảm bảo khâu trồng trọt, chế biến phát triển, khi đó ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay vốn để khách hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đồng tình với kiến nghị trên, đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng: Để nguồn vốn tín dụng của ngân hàng không chỉ là "cú hích" cho "tam nông" mà trở thành lực đẩy cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ cần tăng ngân sách đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong nông nghiệp bằng cơ chế, chính sách hiệu quả.
Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần có thêm các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.
Ngoài ra, cần có chính sách khơi thông nguồn vốn vay đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến nông nghiệp để hỗ trợ liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Để nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Minh Khôi cũng kiến nghị: Tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch chi tiết về phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng chú trọng đến các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh từng vùng, miền.
Cùng với đó, hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hộ nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Có chính sách khuyến khích hơn nữa đối với những đơn vị chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Khôi, các cấp chính quyền và các cấp hội trong tỉnh tiếp tục phối hợp cùng với ngành Ngân hàng tuyên truyền và thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", đồng thời tăng cường sự phối kết hợp trong việc thẩm định cho vay, xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp người vay không trả được nợ ngân hàng.
Năm 2016, tiếp tục được xác định là năm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời cũng là năm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM. Vì vậy, nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, các chính sách khơi thông dòng vốn vào lĩnh vực này cũng cần được đổi mới kịp thời.
Do vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, thúc đẩy phát triển, tái cơ cấu nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Tiếp tục tăng mức hỗ trợ xây dựng NTM từ nguồn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn tài trợ của tổ chức phi chính phủ cho xây dựng NTM. Đồng thời hỗ trợ ngành Ngân hàng về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để bổ sung vào nguồn vốn ngân hàng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.
Bảo Yến