Nhắc đến những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Văn Minh, một người cao tuổi ở thôn Bộ Đầu (xã Ninh An-Hoa Lư) chia sẻ: trải qua 2 cuộc chiến tranh, được chứng kiến những đổi thay của quê hương mới thấy hết được sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại: Tại Ninh An, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, cùng với nhân dân trong tỉnh, nhân dân Ninh An đã nỗ lực sản xuất, chiến đấu, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường, giành nhiều thành tích to lớn.
Là địa phương có vị trí quan trọng, có tiềm năng lao động, đất đai dồi dào nên ngay sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất đã đem đến trong nhân dân khí thế phấn khởi, tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Kể từ đó đến nay, trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm vụ xây dựng quê hương Ninh An ngày càng giàu đẹp, văn minh luôn trong tâm khảm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Từ năm 2011, khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kinh tế- xã hội của xã có mức xuất phát điểm thấp, sản xuất còn mang tính thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,64%...
Qua khảo sát, xã mới đạt 6/19 tiêu chí. Ban chấp hành Đảng bộ xã đã có nhiều chủ trương, nghị quyết và giải pháp về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân địa phương đã tham gia nhiều việc thiết thực, cụ thể: hiến đất, hoa màu, đóng góp kinh phí, ngày công lao động làm đường giao thông, áp dụng tiến độ KHKT để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, cải tạo cảnh quan môi trường, đổi thửa dồn điền…
Sau hơn 4 năm triển khai, Ninh An đã huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt trên 177 tỷ đồng, trong đó nhân đóng góp chiếm 34,82% gồm các nguồn lực tự đầu tư sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng của hộ gia đình, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, góp 6.617 công lao động, hiến 23.243m2 đất…Đến nay, diện mạo nông thôn mới Ninh An có nhiều thay đổi: thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm, tăng 19,2 triệu đồng so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,74%, giảm so với năm 2010 là 12,3%, xã có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, 10/10 thôn, xóm có nhà văn hóa…
Năm 2015, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, người dân Ninh An còn có thêm niềm vui riêng khi xã được đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) còn vinh dự là 1 trong 5 địa phương trong tỉnh được đón Bác Hồ về thăm. Nơi đây, còn lưu lại nhiều dấu tích của lần Bác về và đọng lại trong tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn về những lời căn dặn của Bác. Nhiều năm qua, trải qua các giai đoạn lịch sử, Đảng bộ thị trấn Phát Diệm đã có nhiều nỗ lực, đề ra các giải pháp để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Phát huy quy chế dân chủ, tăng cường mối đoàn kết lương- giáo, những năm qua nhiều công việc, nhiệm vụ được Đảng bộ thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công. Trong đó, những công việc liên quan đến sự phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đô thị văn minh có nhiều chuyển biến tích cực. Với lực lượng nòng cốt là 523 đảng viên đang tham gia sinh hoạt tại 15 chi bộ, trong đó có 8 chi bộ phố. Đảng bộ thị trấn Phát Diệm đã nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Do đó, nhiều công việc từ chủ trương đã được triển khai hiệu quả trong thực tế. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thị trấn Phát Diệm đã tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Trong đó, thị trấn ưu tiên xây dựng trường THCS ở khu trung tâm hành chính mới của huyện, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình trường tiểu học, trường mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Có kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc của chính quyền địa phương ở địa điểm mới phù hợp với quy hoạch…
Bà Nguyễn Thị én, một người dân ở phố Trì Chính chia sẻ: Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân chúng tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ, tích cực tham gia xây dựng thị trấn bằng nhiều việc làm thiết thực. Những năm qua, người dân thị trấn Phát Diệm đã hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, đóng góp ngày công, kinh phí hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở như: đường giao thông, nhà văn hóa…
Do đó, đến nay diện mạo thị trấn trung tâm của huyện ven biển Kim Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dọc các tuyến đường, các hộ có hàng quán hai bên đường đã chấp hành tốt việc kinh doanh, buôn bán, vỉa hè, lề đường sạch sẽ, đảm bảo an toàn giao thông, công tác quản lý, chỉnh trang đô thị được chú trọng… Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ 25, nhiệm kỳ 2010- 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,79%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,5%, 100% phố đạt danh hiệu phố văn hóa…
Năm 2016, cùng với các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có nhiều giải pháp để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, thị trấn Phát Diệm còn có thêm động lực trong thực hiện nhiệm vụ khi năm nay cũng là tròn 70 năm ngày Bác Hồ về thăm. Nhớ lời Bác dặn dò, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đã có nhiều nỗ lực để xây dựng thị trấn khang trang như ngày hôm nay. Đảng bộ, chính quyền nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Bùi Diệu