Năm nào cũng vậy, Ngày thơ đều để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho những người yêu thơ bằng những vần thơ dạt dào, sâu lắng, đặc biệt là sự thể hiện sinh động, ấn tượng của những nhà thơ nghiệp dư là các thầy, cô giáo và các em học sinh đến từ các đơn vị trường học trong tỉnh.
Cô giáo An Thị Quế, Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Uyên cho biết: Đã nhiều năm rồi, năm nào cô cũng tham gia Ngày thơ do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Mỗi năm chỉ có một lần, trong phạm vi ngành, những người thích sáng tác thơ, yêu thơ như cô lại được gặp gỡ, giao lưu, đắm mình vào những vần thơ, bài thơ mà mình ấp ủ, nâng niu, để được chia sẻ tâm hồn, suy nghĩ của mình cho ai đó, và tìm một sự đồng điệu, cảm thông, chia sẻ. Nói đến cô giáo An Thị Quế, khá nhiều đồng nghiệp yêu thơ và những học trò yêu văn học trường THPT Tạ Uyên thuộc lòng, ghi nhớ và chép lại bài thơ "Cô giáo dạy văn" trong các cuốn sổ tay, quyển vở. Bài thơ đã "chạm" được vào tâm trạng, nỗi niềm của nhiều cô giáo dạy văn. Qua bài thơ, những hình ảnh của cuộc sống đời thường với cơm áo, gạo tiền buộc các cô giáo dạy văn vốn luôn mang tâm hồn mơ mộng, bay bổng phải chạm mặt với lo toan, đối mặt với đời thực, bởi "cơm áo không đùa với khách thơ". Bài thơ có những câu thơ trải lòng rất thật, tưởng như than thở, trách thân trách phận nhưng sâu xa trong đó là sự gửi gắm đến người thương yêu - người chồng của mình những nghĩ suy, trăn trở và cần lắm ở đó sự cảm thông, trân trọng
"Anh trách em sao khác ngày xưa
Không còn thích mặc màu áo trắng
Có gì đâu hàng ngày mưa nắng
Tan trường về em còn vội nấu cơm…
Những đồng hành, đồng mắm, đồng rau
Đã thay thế những câu thơ trong sổ…
Giá em đừng là cô giáo dạy văn
Để đừng biết thế nào là lãng mạn
Để đỡ đau khi thấy đời thực dụng
Để đỡ buồn khi nhớ lại ngày xưa!…"
Là những người yêu thơ, thích làm thơ nhưng cũng là những thầy, cô giáo đứng trên bục giảng, trong tâm hồn các thầy, các cô luôn đầy ắp những cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa, về mái trường, về các em học sinh thân yêu… Cô giáo Bùi Thị Tám, giáo viên Trường THCS Ninh Thành (thành phố Ninh Bình) có bài thơ "Từ câu chuyện cổ", thể hiện trong đó là hình ảnh "đất dịu dàng, nước mát lá dong" và một tình yêu đôi lứa đẹp như câu chuyện cổ, "lời nguyện thề không thể xa nhau" dù "đất nước có chia hai đầu nỗi nhớ". Và quê hương với giếng nước, cầu ao, với bờ tre rì rào hát ru, với hương chanh, hương bưởi, để khi nhớ về quê hương, cô giáo Nguyễn Thu Thủy, trường THPT Gia Viễn C đã gửi gắm lòng mình trong những câu thơ chất chứa nỗi lòng tâm sự:
"… Cánh cò nhỏ mỗi chiều mang thương nhớ.
Con đường làng dâm dấp những ngày mưa…
Ôi, quê tôi những vui buồn, sướng khổ.
Của mẹ cha ngày tháng nhọc nhằn.
Của ông bà dãi dầu bao sương nắng.
Xa quê rồi, con nhớ đến khôn nguôi…".
Qua những nhà thơ không chuyên - các thầy, cô giáo, từ niềm yêu văn, yêu thơ, sáng tác thơ qua môn văn học đã truyền vào tâm hồn học trò mình những tình cảm lãng mạn, niềm yêu thích thơ văn. Và ở lứa tuổi học trò, tình yêu của các em đối với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, mái trường… là thứ tình cảm rất trong sáng, gần gũi, thân thương. Chỉ là học sinh lớp 2 nhưng em Nguyễn Quỳnh Như, trường Tiểu học Yên Lộc (Kim Sơn) đã có bài thơ Mùa xuân đầy màu sắc, hồn nhiên, thân thương như tuổi thơ của em vậy:
"Bắt đầu bằng nắng mỏng
Căng giữa bầu trời quê…
Hoa khoe sắc đua nở
Em giăng nắng trời xa
Mẹ gánh xuân xuống chợ
Đào nở hồng trên vai
Và bố ngồi uống nước
ấm trà thơm hương nhài…"
Em Đỗ Thị Bích Hải, học sinh lớp 11A, trường THPT Yên Khánh A có bài thơ "Lời mẹ ru", qua đó gửi gắm tình thương, sự biết ơn đối với người mẹ tảo tần sớm hôm lặn lội thân cò. Trong bài thơ có những câu thơ rất xúc động, để bất cứ ai khi nghe trong lòng cũng gợi về hình ảnh người mẹ ở bất cứ thời đại nào cũng tảo tần, hi sinh vì con:
"… Con đi nửa cuộc đời.
Quá vô tình câu hát à ơi!
Không nhận ra dáng mẹ tảo tần.
Cõng bông lúa nặng mồ hôi.
Bàn tay gầy
Gót chân nứt nẻ
Như trưa hè
Đổ lửa xuống đồng chiêm"
Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng BTC Ngày thơ Việt Nam ngành GD&ĐT cho biết: Ngày Thơ Việt Nam hàng năm luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình phối hợp với các đơn vị liên quan như Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Đài PTTH Ninh Bình tổ chức bài bản, trang trọng và mang đậm ý nghĩa. Qua những buổi tổ chức Ngày thơ, tuy với thời gian không nhiều nhưng đã cho thấy, ngành Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều người yêu thơ và làm thơ hay, đặc biệt là những thầy, cô giáo dạy văn, yêu thích bộ môn thơ trong các đơn vị trường học. Mỗi buổi tổ chức Ngày thơ có hàng chục bài thơ được các thầy, cô giáo và các em học sinh thể hiện là những tâm trạng, tình yêu, nỗi nhớ… về tình yêu gia đình, thầy cô, học trò, trường lớp, quê hương, đất nước… được gửi gắm, sẻ chia.
Nhiều "nhà thơ" là các thầy, cô giáo yêu thích bộ môn thơ, dạy môn văn học trong các nhà trường liên tục sáng tác và có nhiều bài thơ hay, được nhiều người trong ngành và các thế hệ học sinh biết đến như các cô giáo: An Thị Quế, Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Uyên; Hoàng Thị Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A; Nguyễn Thu Thủy, Trường THPT Gia Viễn C; Bùi Thị Tám, Trường THCS Ninh Thành (thành phố Ninh Bình); Nguyễn Quỳnh Anh, Trường THPT Kim Sơn A; Bùi Thị Nhài, Trường Tiểu học Ninh Vân (Hoa Lư); Nguyễn Thị Thảo, Trường Mầm non Quang Sơn (thị xã Tam Điệp)…
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thực tế cho thấy, thơ viết về đề tài thầy, cô giáo và nhà trường luôn chiếm số lượng không nhỏ, nhưng đây là một đề tài khó viết nên để có những bài thơ hay, xuất sắc đọng lại trong lòng người đọc, người nghe chưa nhiều. Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình luôn khuyến khích, động viên các trường học tăng cường tổ chức các hoạt động thơ, văn trong nhà trường nhằm khơi gợi phong trào yêu thơ, văn trong trường học. Và thực tế cho thấy, có khá nhiều các nhà trường đã thành lập các CLB thơ, văn và hàng quý, hàng năm, nhân các dịp lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của ngành tổ chức sinh hoạt rất đều đặn, đem lại nhiều niềm vui, sự hứng khởi cho các thầy, cô giáo và các em học sinh, góp phần cho bộ môn Ngữ văn trong nhà trường ngày càng phát triển, được nhiều học sinh yêu thích, chọn học…
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 12 năm nay có chủ đề "Mùa xuân đất nước từ Điện Biên tới Trường Sa" nhằm ca ngợi truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đã thành thông lệ, năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức Ngày thơ và khuyến khích các đơn vị trường học trong tỉnh cũng tổ chức lễ kỷ niệm bằng nhiều hoạt động thiết thực, tôn vinh những giá trị của thơ ca.
Qua những Ngày thơ được tổ chức hàng năm, do còn một số hạn chế về thời gian, về chất lượng thơ…, để chưa thực sự mãn nhãn, mãn thính người nghe, song tại những buổi kỷ niệm đó, những người làm thơ, yêu thơ đều đã được sống trong không khí đúng nghĩa của một Ngày thơ, được cùng nàng thơ chia sẻ, bày tỏ tình yêu, khát vọng, giấc mơ, cùng mọi người hướng đến cuộc sống chân - thiện - mỹ và khơi gợi thêm tình yêu thơ trong mỗi người, mỗi nhà…
Hạnh Chi