Nhớ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, một tuần trước Tết thời tiết lạnh và ẩm ướt, vậy nhưng ra đường, tôi khá ngạc nhiên trước hình ảnh những bếp lửa bập bùng trong khu phố nhỏ đang bùng lên từ nồi bánh chưng. Hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Nam (phố Phú Xuân, phường Nam Bình) được anh chia sẻ: Giờ Tết Nguyên đán đơn giản đi rất nhiều bởi cái gì cũng có sẵn. Từ bánh chưng, dưa hành muối, giò nạc… đều được các cơ sở sản xuất cung cấp tại các chợ thực phẩm, rất tiện lợi. Chỉ cần bỏ tiền ra mua là có đầy đủ thực phẩm chất đầy tủ lạnh cho cả mấy ngày Tết. Vậy nhưng cứ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó mà nhiều khi không định hình được…
Trước Tết Nguyên đán năm vừa rồi, sau khi đi thăm hỏi họ hàng hai bên, về nhà hai vợ chồng bàn nhau mua gạo nếp, đậu xanh về gói vài cái bánh chưng cho vui. Ai dè, mấy nhà hàng xóm xung quanh thấy vậy cũng đề nghị góp vui. Các bà nội trợ đã đi mua gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh ngon, cẩn thận chọn những chiếc lá dong xanh mướt để làm nên nồi bánh chưng hơn 20 chiếc xinh xắn. Buổi tối bên bếp lửa bập bùng, bọn trẻ con được dịp tò mò và háo hức chờ đón nồi bánh chưng chín và được nghe bố mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện về những kỷ niệm thời còn ở quê, đêm thức cùng ông bà, bố mẹ canh nồi bánh chưng…
Không riêng gì đối với các gia đình ở phố Phú Xuân, tại nhiều tổ dân phố trên địa bàn thành phố Ninh Bình, Tết Nguyên đán mấy năm gần đây cũng được người dân tổ chức ăn Tết khá vui vẻ, ấm cúng. Nhiều gia đình trong dịp này đã tập trung anh em, họ hàng cùng sinh sống trên địa bàn tổ chức bó giò, muối dưa hành và chuẩn bị các món ăn cho dịp Tết. Chị Nguyễn Thúy Nga (phường Vân Giang) cho biết: Có thể những món quà dịp tết mình làm ra chưa được ngon, hình thức chưa đẹp mắt, nhưng vẫn thấy vui vì đây cũng là cái "cớ" để anh em trong nhà có dịp tụ họp, cùng nhau chuẩn bị đón Tết.
Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, do khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng bởi "bão giá" nên xu hướng ăn Tết bằng các thực phẩm gia đình tự sản xuất, chế biến đã được nhân rộng. Có lẽ những ngày bình thường, bận rộn với công việc và những sinh hoạt thường nhật nên ít người dành thời gian cho việc chế biến các món ăn một cách cầu kỳ. Dịp Tết đến mới là dịp để nhiều người có cơ hội thể hiện tay nghề chế biến các món ăn như: giò trứng, giò bò, giò xào, các loại bánh… Những món ăn tự làm, luôn được người sử dụng yên tâm vì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả lại rẻ hơn nhiều so với các loại thực phẩm cùng loại đang được bày bán trên thị trường.
Tục xin chữ đầu xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam
Xu hướng ăn Tết cổ truyền mấy năm gần đây còn được nhiều gia đình ở thành phố lựa chọn phương án về quê chuẩn bị Tết. Như gia đình anh Bùi Việt Dũng (phố Ngọc Xuân, phường Thanh Bình) năm nào cả gia đình cũng về xã Khánh Mậu (huyện Yên Khánh) để tận hưởng không khí đón Tết ở quê. Anh Dũng cho biết: Khi đã tận hưởng nhiều cái tết nguyên đán theo xu hướng hiện đại, lại thấy thèm không khí tết xưa mà ông bà ta vẫn duy trì.
Vậy là mấy năm nay, cứ vào khoảng 28 Tết, cả gia đình anh lại về quê thịt lợn, gói bánh chưng. Con lợn được nuôi theo cách truyền thống, không ăn cám công nghiệp. Trong không khí rộn ràng đón Tết, từ người già đến con trẻ đều háo hức tham gia xẻ thịt, giã giò, chọn những miếng thịt ngon để làm nhân gói bánh chưng… Bọn trẻ con thì vô cùng thích thú vì được cử lau lá dong, xếp bánh… những việc mà thường ngày bọn chúng chưa bao giờ được biết. Tính chi phí mua một con lợn khoảng hơn 40 kg hết hơn gần 2 triệu đồng nhưng đã đem đến một không khí Tết đầm ấm và ý nghĩa mà ở đô thị không có được.
Sau lần đầu tiên chuẩn bị Tết theo "sáng kiến" của anh, đã 3 năm nay gia đình anh Bùi Việt Dũng đã duy trì hoạt động đón Tết hết sức ý nghĩa, được nhiều ông bà, các bác trong dòng họ đồng tình, ủng hộ, góp phần làm nên cái Tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm
Quỳnh Vy