Nở rộ phong trào thi đua "Dân vận khéo"
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", việc triển khai xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có định hướng, chủ trương kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch số 20 ngày 12/8/2016 về thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020; Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, nâng cao chất lượng hoạt động; thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác dân vận, mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo".
Nhân dân xã Khánh Dương (Yên Mô) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thế Minh
Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh đã tổ chức phát động phong trào thi đua theo từng chủ đề cụ thể; chỉ đạo các cụm, khối thi đua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố phát động, ký giao ước thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ký quy chế phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy; UBND các huyện, thành phố ký chương trình phối hợp với Ban Dân vận các huyện, thành ủy về thực hiện các nội dung, nhiệm vụ công tác dân vận của địa phương, đơn vị, nhất là đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo"... Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, mục đích, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua "Dân vận khéo" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đã tăng thời lượng, xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục có chất lượng và chuyên sâu giới thiệu những gương "Người tốt, việc tốt", điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"... tạo không khí thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 1.538 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó có 547 mô hình về phát triển kinh tế; 678 mô hình về văn hóa-xã hội; 146 mô hình về đảm bảo an ninh-quốc phòng; 167 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình "Dân vận khéo" đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Tạo "điểm nhấn" hiệu quả
Thực tế cho thấy phong trào "Dân vận khéo" đã có sức lan tỏa khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và an ninh, quốc phòng. Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân trong lao động, sản xuất, kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, nhất là xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai nhân rộng, thể hiện đúng tinh thần "Dân vận khéo" khi lựa chọn những công việc không đòi hỏi nhiều về kinh phí, kỹ thuật để huy động sự tham gia trực tiếp của nhân dân, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu như mô hình "Vận động cán bộ, hội viên nông dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối và nuôi cá" của Hội Nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô), tổng diện tích chuyển đổi hơn 12 ha với 32 hộ tham gia, cho thu nhập bình quân 15 triệu đồng/sào/năm; mô hình đã được nhân rộng tại một số xã trên địa bàn huyện. Hiện, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 4.200 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao, tiêu biểu ở xã Đồng Phong, Văn Phong (Nho Quan), Gia Xuân (Gia Viễn)... Đặc biệt, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ để huyện Hoa Lư được công nhận huyện nông thôn mới năm 2016; thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017 và huyện Yên Khánh được Chính phủ quyết định công nhận huyện nông thôn mới năm 2018. Đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã góp phần nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tiêu biểu là các mô hình, điển hình: Dòng họ tự quản về an ninh trật tự; Xứ, họ đạo bình yên - chùa tinh tiến về an ninh trật tự; tổ dân phố, thôn, xóm an toàn... của lực lượng Công an. Bên cạnh đó là mô hình xóm tự quản tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia khu vực biên giới biển của Bộ đội Biên phòng tỉnh; Tổ an ninh tự quản do Hội CCB làm nòng cốt (xã Gia Tường, Nho Quan)... Hiệu quả các mô hình này mang lại đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vân Giang