Phóng viên: (PV): Chúc mừng anh vừa nhận giải "Vàng" cho tác phẩm "Khoảnh khắc Tràng An". Anh có bất ngờ không?
Dương Duy Long: Tôi thực sự bất ngờ! Khi Ban Tổ chức thông báo cuộc thi, tôi đã gửi bức ảnh mà tôi tâm đắc nhất để dự liên hoan nhưng không dám nghĩ là sẽ được giải. Ban Tổ chức cùng Hội đồng nghệ thuật chấm giải và được biết trong số 1168 tác phẩm của 211 tác giả ở chín tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng Sông Hồng trong đó tôi là người ít tuổi nhất cho nên càng không dám nghĩ về những điều "to tát".
PV: Tôi được biết anh có niềm đam mê chụp ảnh từ khi còn nhỏ. Anh có được bố anh "dìu dắt" khi sáng tác không?
Dương Duy Long: Tôi có may mắn hơn người khác là có bố đã trở thành Hội Viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 2011. Bố tôi là một người đam mê sáng tác ảnh và ông cũng có nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật. Cụ thể, năm 2010 tại cuộc thi do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh tổ chức ở tỉnh Thái Bình, bố tôi được huy chương Vàng với tác phẩm "Tràng An vào hội". Năm 2011, cuộc thi ở Quảng Ninh, ông được huy chương Bạc với tác phẩm Hội xuân". Năm 2012, thi ở Hưng Yên, bố tôi được huy chương Đồng với tác phẩm "Khắc phục sự cố điện" và cuộc thi vừa rồi, ông được huy chương Đồng cho tác phẩm " sút, súyt nữa đi". Từ đó, tôi coi bố như một người thầy trực tiếp uốn nắm qua các bức ảnh tôi chụp trong những lần đi "phượt" để sáng tác".
PV:Anh chụp tác phẩm "Khoảnh khắc Tràng An" vào thời gian nào?
Dương Duy Long: Đó là một sự tình cờ vào đầu xuân năm nay khi mấy người bạn tôi từ Hà Nội về thăm Ninh Bình rồi đi Tràng An. Thường thì đầu năm du khách đến Tràng An khá đông cho nên chúng tôi phải đi sớm hơn. Lúc đó chừng hơn 8 giờ nhưng trời vẫn còn hơi mù vì hơi nước và nền trời trắng đục.
Khách xa chưa tới được (thường thì khách Hà Nội về tới Tràng An chừng 9 giờ 30 phút đến 10 giờ), tôi thấy bến thuyền Tràng An với hàng nghìn chiếc thuyền nằm quanh bến đẹp quá bởi trông nó giống như những khuông nhạc. Ánh sáng vừa phải hắt lên từ miệng thuyền so với phần sẫm dưới đáy thuyền càng nổi bật. Vậy là tôi bấm máy. Bấm lia lịa. Bấm đến mỏi tay.
Đó chính là khoảnh khắc hiếm hoi, chỉ diễn ra không quá ba phút cho một bến thuyền hằng ngày chở ba đến bốn nghìn lượt du khách thăm danh thắng Tràng An. Tôi đã chọn một bức tâm đắc nhất gửi dự thi. Khi được giải tôi mới biết là khoảnh khắc thật quý giá. Nếu hôm đó chỉ chậm bấm máy sau ba phút thì bến thuyền Tràng An đã khác xa rồi. Khoảnh khắc có thể tạo nên giải thưởng giá trị nhưng nó cũng chẳng là gì nếu người sáng tác không chớp lấy nó.
PV: Anh có dự định gì khi sáng tác ảnh trong thời gian tới?
Dương Duy Long: Phong cảnh quê hương Ninh Bình thật lý tưởng cho những ai đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Danh thắng Tràng An, Bái Đính, đền thờ vua Đinh- vua Lê, Tam Cốc- Bích Động, Khu ngập nước sinh thái Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm cùng với hàng chục làng nghề có lịch sử hàng trăm năm là những đề tài để các nghệ sĩ, hay những người đam mê sáng tác ảnh nghệ thuật tìm tòi sáng tạo trong suốt cuộc đời và nhiều thế hệ tiếp theo.
Nhưng theo tôi, việc sáng tác ảnh nghệ thuật là luôn cho người xem một cách nhìn mới về một cảnh quan, danh thắng tưởng chừng đã cũ. Đó mới là nghệ thuật sáng tác. Qua cuộc thi ảnh vừa rồi cho thấy những tác phẩm đi theo lối mòn, công thức đều bị loại. Cần có cái nhìn mới, nét mới trước danh thắng tưởng đã cũ. Thế mới làm người xem không nhàm chán và như vậy theo tôi mới là sáng tạo.
PV: Cám ơn và chúc anh gặt hái được nhiều thành công trong sáng tác ảnh nghệ thuật!
Đỗ Tấn (Thực hiện)