Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lượng chất thải sinh hoạt ước tính lên đến 450 tấn/ngày, trong đó rác thải từ khu vực nông thôn chiếm trên 65%, tương đương với gần 300 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác thải trung bình tại các khu vực này hiện mới đạt 5 - 10%. Rác thải sau thu gom chủ yếu được vận chuyển đến nơi quy định và xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công. Tại một số địa phương, địa điểm chôn lấp, tập kết rác không bảo đảm các tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng; rác không được xử lý đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật, gây mùi hôi thối, đồng thời phát sinh một lượng lớn rỉ rác làm ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm.
Chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phát sinh chủ yếu từ quá trình sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ các cơ sở y tế khám, chữa bệnh... Hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp do 2 Công ty môi trường chịu trách nhiệm thu gom, còn chất thải sinh hoạt của 6 thị trấn: Thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh); thị trấn Phát Diệm, Bình Minh (Kim Sơn); thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô); thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư), thị trấn Nho Quan (Nho Quan), chất thải sinh hoạt do các trung tâm vệ sinh môi trường đô thị huyện thu gom và tất cả được chuyển về nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Tam Điệp để xử lý. Riêng thị trấn Me (Gia Viễn), rác thải được thu gom về bãi rác thải của huyện để xử lý.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Toàn tỉnh có 121 xã, trong đó có 94 xã đã hình thành được mô hình tổ thu gom rác tự quản, đạt gần 77,68%. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí để duy trì hoạt động và ý thức chấp hành quy định về vệ sinh môi trường của người dân nhiều nơi chưa cao nên tỷ lệ thu gom chưa triệt để, rác thải chưa được phân loại tại nguồn dẫn đến khó khăn trong khâu xử lý, tỷ lệ được xử lý đạt hiệu quả thấp. Ngoài ra, các bãi rác chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh mà chủ yếu đổ lộ thiên hoặc đốt nên gia tăng ô nhiễm môi trường.
Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường: Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt ở vùng nông thôn không được thu gom, xử lý, đa số người dân "tự xử" bằng cách đổ ra đê, ra đầu xóm, các kênh mương, sông…, đặc biệt là túi nilon, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, làm ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê điều. Hầu hết các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đều phải gánh cả nhiệm vụ bãi chứa rác thải.
Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý toàn bộ lượng rác thải còn tồn đọng tại những điểm tập kết, điểm đổ rác không đúng nơi quy định; rà soát, bố trí các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác thải hợp lý, phù hợp với quy hoạch chung tại khu vực; thực hiện nghiêm việc không đổ rác thải ra kênh mương, bờ đê, đường giao thông, nơi công cộng, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng và các khu dân cư.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, phân bổ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm theo đúng quy định để hỗ trợ xây dựng mô hình thu gom, xử lý rác thải.
Đi đôi với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường ở các địa phương, tỉnh cũng đã ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án về xử lý môi trường như: Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình; Dự án cải tạo, xử lý chôn lấp rác thải tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của thị trấn Me, huyện Gia Viễn; dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cụm công nghiệp Đồng Hướng, huyện Kim Sơn; dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cụm Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh bằng công nghệ hấp ướt đặt tại Kim Sơn.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường cho Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình và Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, trong đó quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo số lượng cán bộ, trang thiết bị cần thiết đáp ứng được công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Bảo Yến