Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này do dồn điền đổi thửa của Lạc Vân còn gặp nhiều khó khăn, cũng ảnh hưởng đến ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và là trở ngại lớn trong việc xây dựng nông thôn mới ở Lạc Vân.
Thôn Bình An, một thôn có số dân bằng 1/3 dân số của xã, điều kiện đi lại của bà con rất khó khăn. Ông Đinh Văn Tính cho biết: Trong thôn có rất nhiều ruộng bỏ hoang do không có nước tưới, mùa mưa lũ thì đây lại là những nơi ngập úng lâu nhất vì không thoát được nước ra. Do đó người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác. Trồng cây gì vào đó cũng không cho thu hoạch.
Chính vì nguyên nhân này nên bà con nông dân ai cũng muốn mình có được 1 diện tích ruộng ở khu vực an toàn để sản xuất. Trước khi dồn điền, đổi thửa, trung bình mỗi hộ có từ 13 đến 20 thửa. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, thì mỗi hộ trung bình còn từ 7-8 thửa, đây vẫn là con số khá lớn và đương nhiên dẫn đến việc sản xuất manh mún, không tập trung. Đồng chí Vũ Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã nói vui: Trước kia có những thửa ruộng không đi vừa một đường bừa. Nhưng để dồn điền, đổi thửa được ở Lạc Vân cũng gặp không ít khó khăn vì diện tích ruộng trong đó chỉ có 118/405 ha, không ai muốn lấy ruộng ở những nơi không chắc ăn, vì vậy cũng chỉ chuyển đổi được ở những diện tích thuận lợi.
Xã Lạc Vân nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, địa hình không bằng phẳng, vùng núi xen lẫn vùng chiêm trũng. Trong 405 ha đất nông nghiệp của Lạc Vân thì có đến 70% diện tích ngoài đê, đây là diện tích không ăn chắc và chỉ cấy được 1 vụ. Có những thửa ruộng bên cạnh nhau, độ cao chỉ chênh nhau 20 cm nhưng bà con cũng không chấp nhận đổi cho nhau.
Nguyên nhân chính làm cho công tác dồn điền, đổi thửa ở Lạc Vân còn nhiều vướng mắc đó là hiện tại hệ thống đê điều, kênh mương của xã chưa được hoàn thiện, chỉ có 1,8/8, 7 km đê bao (tuyến huyện) là kiên cố còn lại những đoạn đê của xã khi lũ lên đến cốt 3 là không chống cự được. Hệ thống kênh cứng còn quá ít, việc tưới, tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Dù là xã nằm trong khu vực xả lũ, nhưng hiện tại vẫn chưa có một trạm bơm tiêu nào. Đồng chí Chủ tịch UBND xã nói: Xã rất mong được đầu tư một trạm bơm tiêu và hoàn thiện được hệ thống đê bao, nâng diện tích đất 2 vụ lên và chỉ có như vậy thì bà con mới yên tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Một trong những yếu tố để huyện chọn một xã thuần nông, còn nhiều khó khăn như Lạc Vân làm điểm xây dựng nông thôn mới là bởi vì xã nằm trên trục đường 477, là cửa ngõ vào trung tâm của huyện, do đó việc tiêu thụ nông sản rất thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào... đây là những điều kiện quan trọng để Lạc Vân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác dồn điền, đổi thửa đang được xã hết sức quan tâm để nhanh chóng giúp bà con nông dân áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng những vùng nông nghiệp trọng điểm, nâng cao mức sống người dân.
Đồng chí Đinh Ngọc Long, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Bên cạnh những tiềm năng tự nhiên được xem là thế mạnh của xã thì những năm qua Lạc Vân cũng đã cho thấy nội lực của mình trong phát triển kinh tế, văn hóa. Năm 2010, xã đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, việc phân bố dân cư khá hợp lý, thuận lợi cho việc quy hoạch một mô hình nông thôn mới.
Cùng với sự nỗ lực của Nhà nước thì Đảng ủy và chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn những chính sách ưu việt trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng ủy, chính quyền và nhân dân, từ đó tìm ra phương án tối ưu, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhưng phải đảm bảo tính bền vững.
Bảo Yến