Những dấu hiệu tích cực
Hơn 5 năm kể từ ngày vào làm ở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Lập Phong, giờ đây cậu bé khuyết tật Bùi Phú Hương đã là một trong những công nhân kỹ thuật lành nghề nhất của Công ty. Nhắc lại những ngày đầu làm việc, cậu bé có cái tên rất "nữ tính" Bùi Phú Hương kể: "Em bị tàn tật bẩm sinh. Học lên cấp 2, em phải nghỉ học giữa chừng vì đau yếu luôn. Khi sức khỏe phục hồi, em muốn đi làm để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Em muốn được học nghề, được đi làm để tự nuôi bản thân, bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng đi đâu xin việc, người ta cũng từ chối". Khi Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Lập Phong được thành lập, Hương giấu bộ mẹ "liều" đi bộ gần chục cây số đến để xin học nghề. Cũng chỉ là "thử vận may" thôi, chứ cậu không dám tin mình sẽ được nhận vào học. "Thế nhưng may mắn đã mỉm cười với em" - Hương nói - cậu được Công ty nhận vào học nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ miễn phí. Thủ công mỹ nghệ là nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Với người bình thường đã khó, với người tàn tật khó khăn lại nhân lên gấp bội. Nhưng trước tấm lòng nhân ái, sự uốn nắm, chỉ bảo của lãnh đạo Công ty, Hương đã vượt lên những thất bại để làm ra sản phẩm đầu tay. Hiện, mức thu nhập của cậu đã đạt gần 2 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, Hương đã phần nào đảm bảo được cuộc sống cho mình và cùng bố mẹ nuôi các em ăn học. Để NKT có thêm cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống, thời gian qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được tỉnh ta đặc biệt quan tâm.
Tỉnh đã dành 2,5 tỷ đồng trong Chương trình 120 để cho vay tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và NKT. Một số tổ chức kinh tế, xã hội đã quan tâm và giúp đỡ NKT về vốn và tạo việc làm như: Hội Người mù tỉnh đã tổ chức chuyền nghề, dạy nghề thủ công truyền thống cho 250 lượt người làm tăm tre, chổi đót và 70 người được học nghề xoa bóp bấm huyệt… | Tính đến hết tháng 5 năm 2010, toàn tỉnh Ninh Bình có 19.394 người tàn tật, chiếm 2,15% dân số. |
Trung tâm dạy nghề - phát triển việc làm và hỗ trợ NKT thành phố Ninh Bình đã có chương trình dạy nghề may công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, Tin học và liên kết đào tạo các ngành nghề dựa vào cộng đồng cho NKT, trẻ em đặc biệt khó khăn, con em các gia đình chính sách. Trong những năm qua, Trung tâm đã dạy nghề cho 460 người, trong đó có 119 NKT, đã giới thiệu và giải quyết việc làm ổn định được 75-87% tổng số người học nghề tại Trung tâm với mức thu nhập từ 500.000-1.000.000 đồng/người/tháng.
Vẫn cần được quan tâm hơn nữa
Huyện Gia Viễn hiện có gần 5.000 NKT, khoảng 70% trong số đó đang ở độ tuổi lao động. Theo ông Triệu Trọng Thanh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện thì chỉ có dưới 10% trong số 70% NKT trong độ tuổi lao động này là đã qua đào tạo nghề, hay có việc làm ổn định. Số còn lại chủ yếu sống dựa vào gia đình. Bởi thế mà phần lớn hộ gia đình có NKT có mức sống thấp.
Cũng theo ông Thanh, đào tạo nghề cho NKT phải đi đôi với việc tạo công ăn việc làm cho họ, nghĩa là các Trung tâm đào tạo nghề phải liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động. Trong khi đó thì hiện việc dạy nghề, tạo việc làm cho NKT lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện có gần 100 doanh nghiệp đang hoạt động, song chỉ rất ít trong số đó đồng ý liên kết đào tạo cho lao động là NKT.
Lý giải về vấn đề này, đại diện của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Lập Phong cho biết: Phần lớn NKT có trình độ văn hóa thấp, thậm chí còn mù chữ, chưa có tay nghề hoặc có nhưng chưa phù hợp. Họ lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, giao tiếp, chưa tiếp cận với trang thiết bị nơi làm việc… Do đó, thời gian để đào tạo một lao động khuyết tật lành nghề dài hơn nhiều so với lao động bình thường. Hơn nữa, nếu tuyển lao động là NKT thì doanh nghiệp phải có sự đầu tư xây dựng nhà xưởng, bố trí nơi ăn, ở, điều kiện làm việc phù hợp với thể trạng của NKT… Tóm lại, với lao động là NKT thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nhiều hơn cả về thời gian và tài chính. Có lẽ đây chính là điều kiện mà các doanh nghiệp còn ngần ngại, mặc dù có thể khẳng định, sau khi được đào tạo, tay nghề của lao động khuyết tật không thua kém gì lao động bình thường…
Mặc khác, trên thực tế, hệ thống chính sách về NKT chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, rộng khắp. Bộ luật Lao động năm 1995 có nhiều điều khoản ưu tiên lao động khuyết tật như bố trí công việc phù hợp dựa trên tính chất, thể trạng, khả năng lao động… Nhưng do chưa có chế tài, cơ chế giám sát thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khuyết tật nên nhiều doanh nghiệp thiếu sự quan tâm đến lao động khuyết tật.
Theo quy định tại Nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động với lao động là NKT có nêu rõ: Các doanh nghiệp có trách nhiệm nhận từ 2-3% lao động là NKT, nếu không nhận đủ sẽ phải nộp vào Quỹ việc làm của NKT. Song, quy định này thiếu tính khả thi vì hàng loạt vướng mắc như không có chế tài, quản lý tài chính ra sao, nhân lực quản lý, ai đưa NKT vào doanh nghiệp và giám sát doanh nghiệp thực hiện quy định… nên trên thực tế, mặc dù số doanh nghiệp nhận NKT mới chỉ "đếm trên đầu ngón tay", song Quỹ việc làm cũng gần như… trống trơn.
Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật. Cũng Nghị định số 81/CP quy định: Để được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất dành riêng cho NKT thì doanh nghiệp phải có trên 51% lao động là NKT. Nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để đạt "chuẩn" này rất khó, bởi phần lớn doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động ít. Và không phải công đoạn sản xuất nào NKT cũng có thể đảm đương được…
Giúp NKT cải thiện cuộc sống, được học nghề, có việc làm là biện pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo. Mong rằng, Luật Người khuyết tật Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc tạo điều kiện về mọi mặt để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, nhất là tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe để ổn định cuộc sống.
Thu Hằng