Phải chờ đợi sau mùa tuyển sinh đại học kết thúc
Trong những năm qua, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến và đổi mới, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo.
Các trường nghề ở Ninh Bình như: Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình, Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt Xô, Cao đẳng nghề Lilama1… có cơ sở vật chất tương đối khang trang, hàng năm đều được đầu tư, bổ sung, sửa chữa, xây mới khá đồng bộ, đảm bảo cho nhu cầu ăn ở, học hành, vui chơi của học sinh, sinh viên trong nhà trường.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, xây dựng Việt Xô đều có những chính sách ưu đãi, trợ giúp học sinh, sinh viên phù hợp với điều kiện của nhà trường như xét cấp học bổng theo quy định, phối hợp với các doanh nghiệp mà nhà trường có mối quan hệ liên kết để giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) được tổ chức dạy học các môn văn hóa…
Mặc dù các trường nghề đã có nhiều giải pháp thiết thực trong công tác tuyển sinh, nhưng kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh của năm học 2012-2013 chưa đạt kế hoạch đề ra.
Đối với Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình, năm học 2012-2013, Trường được Bộ Nông nghiệp & PTNT giao chỉ tiêu tuyển sinh ở 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề: 700 sinh viên; trung cấp nghề: 1.440 và sơ cấp nghề 2.300 sinh viên. Hiện nhà trường đang tiếp tục tuyển sinh khóa 43 đến hết tháng 12. Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt Xô được giao 3.300 chỉ tiêu, trong đó cao đẳng nghề: 1.000 sinh viên; trung cấp nghề: 1.000 sinh viên, còn lại là hệ trung cấp chuyên nghiệp, vừa làm vừa học và sơ cấp nghề… Hiện nay các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh mới tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu theo kế hoạch.
Khó khăn trong việc thu hút học sinh vào học nghề là do đâu?
Thầy giáo Vũ Tường Nhuệ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, xây dựng Việt Xô nhận định: Thực tế xã hội hiện nay, kỳ vọng của cha mẹ học sinh đều muốn con em mình theo học đại học, vì vậy rất ít quan tâm đến lĩnh vực hướng nghiệp, đào tạo nghề. Mặt khác, khả năng tư duy, định hướng tương lai, tầm hiểu biết của học sinh còn rất hạn chế, còn phụ thuộc nhiều vào sự áp đặt của phụ huynh.
Để thu hút học sinh vào học trong các trường nghề, theo thầy giáo Lê Thành Dương, Hiệu trưởng trường THPT Nho Quan C, cần tăng cường tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo cho học sinh tính chủ động trong việc chọn tương lai của mình. Tư vấn hướng nghiệp ở đây được hiểu là phải định hướng từ trước, không giống cách làm như hiện nay là gần đến kỳ tuyển sinh mới đi tư vấn.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là những bất cập về chính sách phát triển giáo dục - đào tạo. Thầy giáo Dương Văn Cường, Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề Cơ giới cho rằng, hiện các trường nghề đang phải cạnh tranh với các trường đại học, một phần là do ngày càng có nhiều trường đại học đào tạo nghề, phần khác là vì học sinh chưa mặn mà với bậc học này, dẫn đến công tác phân luồng học sinh sau THPT vào học nghề giậm chân tại chỗ.
Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư sửa đổi Điều 6 của Thông tư 57, cho phép các trường Đại học được tuyển sinh hệ TCCN với chỉ tiêu giảm 20% học sinh mỗi năm, tiến đến bỏ hẳn việc tuyển sinh hệ TCCN vào năm 2017.
Thực tế nhiều năm qua, chỉ tiêu tuyển sinh học nghề hàng năm của các trường đại học khá cao nên phần lợi thế "hút" thí sinh luôn thuộc về các trường đại học. Năm nay, điểm sàn trúng tuyển thấp, thời hạn xét tuyển đại học bổ sung được kéo dài đến hết tháng 11, do đó thí sinh hoang mang không biết tìm thông tin các trường còn chỉ tiêu xét tuyển ở đâu? Các trường không tổ chức thi tuyển sinh, khối trường nghề mất chủ động trong công tác tuyển sinh vì học sinh trượt đại học nguyện vọng 1 hiện vẫn đang chờ cơ hội vào đại học ở nguyện vọng 2....
Chính vì vậy, trong khi chờ đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, các trường dạy nghề cần thực hiện tốt chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt; lấy kỹ năng nghề là thương hiệu, là giải pháp hàng đầu để thu hút học sinh học nghề. Học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường làm được việc ngay theo nghề đã học; tập trung vào một số ngành nghề truyền thống, có thế mạnh và các nghề mà xã hội đang có nhu cầu để giải quyết khó khăn trong khâu tuyển sinh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh