CCN Mai Sơn (Yên Mô) được xây dựng từ năm 2004, là một trong những CCN được xây dựng đầu tiên của Ninh Bình. Đến nay CCN đã thu hút được 7 nhà đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ khí, dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch, thương mại, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Có thể thấy, việc hình thành các CCN đã giải quyết được mặt bằng cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư theo phương thức tập trung, hạn chế mức thấp nhất việc ô nhiễm môi trường... Trước yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, năm 2014 huyện Yên Mô tiếp tục quy hoạch bổ sung CCN Khánh Thượng với quy mô 40 ha, đây sẽ là điểm nhấn để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Với sự hình thành 2 CCN trên địa bàn, công tác quản lý quy hoạch cụm, điểm công nghiệp dần đi vào nề nếp, thu hút đầu tư vào địa bàn ngày một tăng, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Yên Mô. Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 171 dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân, trong đó có 156 dự án đã đi vào hoạt động, 15 dự án đang triển khai xây dựng, giải quyết việc làm cho 5.439 lao động; tổng số vốn đăng ký là 3.835,9 tỷ đồng, đã thực hiện 756,5 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm đã có 2 dự án xin chủ trương đầu tư với diện tích là 1,4 ha, tổng kinh phí đăng ký là 33 tỷ đồng và 1 dự án xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 4,46 ha, tổng kinh phí đầu tư 165,9 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết: Việc rà soát và bổ sung quy hoạch phát triển CCN trong thời gian qua được triển khai trong điều kiện đang thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng đất lúa, vì vậy một số CCN có sử dụng đất lúa đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ có 13 CCN với tổng diện tích 380,14 ha. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp rất quan tâm đến địa điểm đầu tư tại các huyện có khả năng cung cấp nhiều lao động như huyện Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn… Mặt khác, theo Luật Đất đai nếu dự án đầu tư trong khu công nghiệp, CCN sẽ được nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng để giao cho nhà đầu tư; nếu dự án đầu tư vào địa điểm khác, doanh nghiệp sẽ phải tự thỏa thuận với các hộ dân khi giải phóng mặt bằng, do đó việc triển khai dự án sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư.
Vì lý do trên, một số huyện đã rà soát và đăng ký nhu cầu sử dụng đất CCN trong giai đoạn 2016-2020, cụ thể: Huyện Gia Viễn đề nghị bổ sung mới 2 CCN, gồm: CCN Gia Thắng - Gia Tiến, diện tích 70 ha và CCN Gia Phú - Liên Sơn, diện tích 70 ha. Huyện Yên Khánh đề nghị bổ sung mới 2 CCN với diện tích 45,75 ha, gồm: CCN Khánh Nhạc, diện tích 37,29 ha và CCN Khánh Hồng, diện tích 8,46 ha. Huyện Yên Mô đề nghị mở rộng CCN Mai Sơn với diện tích 15 ha (diện tích hiện có 17ha); bổ sung mới 2 CCN, gồm: CCN xã Yên Lâm, diện tích 50 ha; CCN thị trấn Yên Thịnh, diện tích 10 ha... Tuy nhiên, để phù hợp với quy hoạch chung của các địa phương và các ngành nghề khác, Sở Công thương đã định hướng quy hoạch theo tổng thể chung dựa trên thực tế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương theo lộ trình Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Việc hình thành các CCN ở các địa phương là thực sự cần thiết nhằm quy hoạch các hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào một khu vực nhất định, vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn về nguồn ngân sách của tỉnh và các huyện nên trên địa bàn tỉnh chưa có nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN. Hiện 7/7 CCN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động chưa xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động chung của CCN. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ sản xuất có quy mô nhỏ nên trình độ cán bộ còn hạn chế, việc chấp hành các quy định về chế độ báo cáo còn ở mức thấp. Vì vậy, quá trình quản lý và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc cập nhật, tổng hợp tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN. Để khắc phục các hạn chế trên, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Trung tâm Đầu tư và phát triển CCN thuộc Sở Công thương làm đầu mối, giúp UBND tỉnh và Sở Công thương thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng vào các CCN. Đồng thời giúp các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước về CCN...
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay khi thành lập và mở rộng các CCN là quy chế quản lý CCN đã bộc lộ một số bất cập không còn phù hợp với các quy định về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường được ban hành trong thời gian qua. Quy chế không có quy định về chính sách hỗ trợ ưu đãi về đầu tư hạ tầng, các hoạt động hỗ trợ phát triển CCN. Các tiêu chí, điều kiện, thủ tục hành chính theo quy định chưa chặt chẽ... dẫn đến các địa phương lúng túng trong việc triển khai thành lập các Trung tâm phát triển CCN. Cùng đó, nhiều nội dung quản lý Nhà nước về đầu tư ở các CCN chưa thông thoáng, chưa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất, kinh doanh.
Để khắc phục những bất cập trong quản lý CCN cần thiết phải xây dựng và ban hành nghị định của Chính phủ về quản lý CCN nhằm hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để chỉ đạo, điều hành hoạt động phát triển CCN trong thời gian tới. Bổ sung các quy định về cơ chế hỗ trợ, chính sách phát triển CCN, đặc biệt là phát triển CCN ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Bảo Yến