Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận để vận động thành lập, duy trì và phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp không phải dễ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới thành lập được 51 tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với tổng số 3.600 đoàn viên, hội viên. Năm 2018, chỉ tiêu đặt ra cho các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn tỉnh là thành lập được 15 tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, song đến hết tháng 8 mới thành lập được 6 tổ chức Đoàn, Hội.
Đồng chí Trịnh Như Lâm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020", các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và BTV Tỉnh đoàn trong việc rà soát, củng cố, nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc duy trì và tổ chức các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội; tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội cho phù hợp với tình hình thực tế ở đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường thông tin, tiếp xúc với các doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn, Hội hoạt động...
Nhờ đó, hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc duy trì nề nếp sinh hoạt chi đoàn, chi hội cũng như nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới, chất lượng của các buổi sinh hoạt từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, công tác vận động thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện gặp không ít khó khăn, mà trở ngại lớn nhất là nhận thức của chủ doanh nghiệp còn e ngại, hoạt động Đoàn, Hội ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, do đó thiếu nhiệt tình, ủng hộ.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, anh Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Thành đoàn Tam Điệp cho biết: Hiện Thành đoàn Tam Điệp có 30 cơ sở Đoàn với hơn 4.000 đoàn viên, trong đó có 5 tổ chức thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước với 78 đoàn viên. Khó khăn mà Thành đoàn Tam Điệp gặp phải, đó là ngoài việc chủ doanh nghiệp e ngại hoạt động của Đoàn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng công việc thì nguyên nhân quan trọng khác nữa xuất phát từ phía người lao động.
Đặc thù của công nhân là làm việc theo ca nên khó bố trí thời gian để tham gia sinh hoạt Đoàn, nhiều công nhân khi chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện, họ cho rằng, thời gian làm việc ở nhà máy, công xưởng đã rất mệt mỏi nên hết giờ làm chỉ muốn trở về với gia đình. Mặt khác, số lượng lao động lại thường xuyên biến động nên rất khó cho hoạt động rà soát, thành lập tổ chức Đoàn. Trong khi đó, kinh phí hoạt động Đoàn tại các đơn vị rất hạn hẹp, đa phần do người lao động tự đóng góp, chưa có sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp. Hiện tại, Thành đoàn gần như chưa thu được đoàn phí của tổ chức Đoàn trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, thì những hạn chế từ phía tổ chức Đoàn cũng là một trong những khó khăn của công tác thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đa số cán bộ Đoàn còn trẻ, kinh nghiệm vận động thuyết phục hạn chế. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chưa kịp thời và chưa hiệu quả. Chính vì vậy, chưa thực sự tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết với chủ doanh nghiệp cũng như chưa tạo được sự hỗ trợ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời từ cấp ủy, chính quyền.
Việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội đã khó, việc duy trì và thu hút đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội lại còn khó hơn. Đồng chí Đinh Quang Nam, Bí thư Thành đoàn Ninh Bình cho biết: Năm 2017, qua tuyên truyền vận động, Thành đoàn Ninh Bình đã thành lập được 8 cơ sở Đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo Hướng dẫn của Tỉnh đoàn, quy định chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày thành lập chi đoàn lâm thời phải tiến hành đại hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều chi đoàn chưa sắp xếp, bố trí được thời gian để tiến hành đại hội.
Mặt khác, 100% cán bộ Đoàn, Hội cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước làm việc kiêm nhiệm, trình độ, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, nên việc tổ chức các hoạt động của Đoàn, Hội còn mang tính hình thức, chưa thu hút được thanh niên tham gia. Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay.
Để khắc phục khó khăn trong công tác thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức buổi tọa đàm bàn giải pháp. Theo đó, nhiều giải pháp được đề xuất: Tăng cường mối quan hệ hợp tác, gắn bó với Hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT, thu hút chủ doanh nghiệp, người lao động tham gia tổ chức Đoàn, Hội; quan tâm, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội mới được thành lập; phối hợp thăm hỏi, tặng quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn...
Thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là nhiệm vụ chính của các cấp bộ Đoàn, Hội. Song vẫn rất cần sự vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp, người lao động tham gia tổ chức Đoàn, Hội, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Đinh Ngọc